Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 08/10/2022

(HNM) - Cùng với chức năng lập hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác giám sát có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế tổ chức, vận hành, thực thi và kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Trước yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Đoàn giám sát Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện giám sát tiến độ Dự án sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), tháng 8-2022. Ảnh: TTXVN

Nhiều đổi mới nổi bật

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về hoạt động giám sát chuyên đề năm 2022, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao và 2 chuyên đề giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Việc triển khai hoạt động của các đoàn giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới nổi bật. Trong đó, đã tổ chức các đoàn giám sát, tổ công tác để khảo sát, làm việc trực tiếp tại địa phương, các bộ, ngành - giải pháp đổi mới cách làm, được các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, trong quá trình giám sát, công tác phối hợp giữa các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, chủ động, hiệu quả hơn, đồng thời cũng là dịp địa phương liên thông giám sát để triển khai sát hơn, hiệu quả hơn các vấn đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ ba, đã có 266 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 131 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trong đó có 34 đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ, 28 lượt đại biểu tranh luận. Tại 2 phiên chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 9 và thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có 93 đại biểu chất vấn và 28 đại biểu tranh luận. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đánh giá, việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn đã bám sát thực tiễn, trúng những vấn đề “nóng” trong đời sống, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, một số nội dung chuyên đề giám sát còn khá rộng, chưa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, trong khi thời gian và nguồn lực thực hiện của các cơ quan thuộc Quốc hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, các kiến nghị qua giám sát chưa được nghiêm túc triển khai. Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chưa theo dõi, đôn đốc kết luận, kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên, đề nghị đưa vấn đề ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khi cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tháng 8-2022.

Tăng cường giám sát lĩnh vực nhân dân quan tâm

Năm 2023, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát tối cao 2 chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho rằng, năm 2023, công tác giám sát cần tăng cường đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát. Công chức giúp việc các đoàn công tác, tổ khảo sát nên huy động chủ yếu từ đơn vị giúp việc của cơ quan thường trực Đoàn giám sát và Văn phòng Quốc hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bên cạnh các hoạt động định kỳ như xem xét các báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (dự kiến diễn ra tại kỳ họp thứ sáu), xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Do đó, để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời điểm hết sức quan trọng của cả nhiệm kỳ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát. Cùng với đó tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Có thể thấy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là vấn đề đã, đang được thực hiện thông qua những thay đổi trong tư duy cũng như cách làm, nhằm góp phần kiểm soát quyền lực, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mai Hữu