Dồn sức giải ngân vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 11/10/2022

(HNM) - Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đến hết quý III-2022, mức giải ngân vốn đầu tư công vẫn dưới 50% kế hoạch. Chưa đầy 3 tháng nữa là hết năm 2022, thời gian còn lại không nhiều, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết liệt, dồn sức thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tốc giải ngân nguồn vốn này.

Công trường xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Quang

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30-9 đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%), nhưng tăng về số vốn (tăng hơn 16%). Có 7 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50%. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (88,45%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%), Ngân hàng Nhà nước (68,62%)… Nhưng cũng có 39 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước. Cá biệt còn có 14 bộ, cơ quan và địa phương có kết quả giải ngân dưới 20% kế hoạch.

Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua chưa đạt kỳ vọng. Đề cập đến khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng vẫn diễn ra; việc chuẩn bị triển khai dự án cũng như năng lực nhà thầu còn hạn chế; một số quy định pháp lý chưa hoàn thiện… Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu, cước phí vận tải tăng cao, nhân lực thiếu cục bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, khối lượng thi công của các dự án.

Về chủ quan, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương chưa đồng đều. Nơi nào có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thì có kết quả giải ngân vốn đầu tư công tốt và ngược lại. Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nguyên nhân sâu xa nhất có lẽ là ở một số nơi chưa có sự quyết liệt của người đứng đầu, bởi cùng một cơ chế, chính sách, song tỷ lệ giải ngân tại các bộ, ngành địa phương không như nhau, nơi cao nơi thấp.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc

Điều đáng mừng là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự thay đổi tích cực trong tháng 9-2022, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Hiện, các dự án đang vào giai đoạn nước rút, vì thế kết quả giải ngân vốn đầu tư công thay đổi qua từng tuần, thậm chí là từng ngày...

Tiếp đà này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng đến từng chủ đầu tư; chỉ đạo chủ đầu tư lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công và tăng cường hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến quản lý vốn đầu tư công (phân bổ, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công…), đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, bởi thực tế cho thấy, không ít công trình do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và thực hiện có tiến độ nhanh hơn hẳn so với dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hiệu quả giám sát, chú ý đến chất lượng, tránh dẫn đến hậu quả là “nhanh hoàn thành nhưng nhanh xuống cấp”.

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện và giải ngân tối đa kế hoạch vốn năm 2022, các địa phương cần tăng cường quản lý đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng; nghiên cứu và có những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, tác động đối với nền kinh tế. “Chính phủ cần có chính sách điều tiết, kiểm soát giá nguyên, vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung liên tục nhằm chia sẻ với nhà thầu”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm gợi ý. 

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các tổ công tác của các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án. Đặc biệt, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, cùng với 6 tổ công tác đang kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các bộ, ngành, địa phương, nếu các đơn vị dồn sức cho giải ngân vốn đầu tư công, kết quả sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo mức giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ đạt khoảng 90-95% kế hoạch.

Hồng Sơn - Ngô Hương