Dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Kinh tế - Ngày đăng : 14:39, 11/10/2022

(HNMO) - Sáng 11-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tăng trưởng kinh tế ước đạt 8%

Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, cả năm 2022 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, còn 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao. Xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực tại một số địa phương là trung tâm công nghiệp trọng điểm, áp lực lớn lạm phát từ bên ngoài; nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro.

Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, chưa đạt kết quả như mong đợi. Thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao. Xuất khẩu gặp thách thức không nhỏ khi các thị trường lớn, truyền thống đang dần bị thu hẹp…

Cũng theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo còn gặp nhiều thách thức; tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp.

Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó, có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu; thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước, kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022, nhất là quý III cao, song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (quý III-2021, GDP giảm hơn 6%). Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Việc “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước còn chưa sát, số tăng thu dự kiến lớn (ước vượt 14,3% dự toán).

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-9-2022 chỉ đạt 46,7%, riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Quang cảnh phiên họp.

Dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5% 

Đối với dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đề ra mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia... Cùng với đó là chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…

Chính phủ cũng quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Chính phủ dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Để thực hiện các chỉ tiêu này, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2023, kết cấu thành 12 nhóm, tập trung vào 8 trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.

Về các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn việc nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 lên 4,5%; xem xét, đánh giá kỹ việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo dõi chặt diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước, nhất là giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; ghi nhận năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như Chính phủ đã trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề, lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Tiến Thành