Tìm cơ chế khơi thông nguồn vốn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 12/10/2022
Nhiều công trình đình trệ
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh thông tin, dự kiến vào tháng 12-2022, thành phố sẽ khởi công dự án Rạp xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ, tại quận 11. Dự án này sử dụng nguồn vốn trung hạn 2021-2025 từ ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng trên diện tích đất 10.000m2; quy mô phòng biểu diễn lớn 2.000 chỗ ngồi và phòng đa năng 300 chỗ.
Tuy nhiên, một loạt công trình khác của thành phố đã phải tạm dừng triển khai. Điển hình là dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Nhà hát Thủ Thiêm). Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, được phê duyệt chủ trương từ năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng, sau được điều chỉnh lên 2.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, cuối tháng 8-2022, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định tạm dừng thực hiện dự án này để dành số vốn trên đầu tư cho những dự án khác cần kíp hơn.
Một dự án dang dở khác của thành phố là dự án xây dựng Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng (quận 3). Chủ trương đầu tư xây dựng dự án được thông qua từ năm 2008 theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) với tổng số vốn đầu tư ban đầu khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, trung tâm được xây dựng trên diện tích 14.700m2. Năm 2018, một lần nữa dự án được bàn thảo triển khai vẫn bằng hình thức BT, nhưng đến nay vẫn bị đình trệ bởi vướng cơ chế huy động vốn.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với dự án Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức). Hàng loạt các hạng mục công trình lớn như sân vận động đa năng 50.000 chỗ ngồi, các nhà thi đấu… chưa tìm được nguồn vốn đầu tư công để triển khai, dù các sở, ngành liên quan đã lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Hiện tại, cả 2 câu lạc bộ bóng đá tại thành phố Hồ Chí Minh đang thi đấu tại Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2022 đều phải sử dụng chung tại Sân vận động Thống Nhất với 16.000 chỗ ngồi đang xuống cấp...
Huy động nguồn lực xã hội hóa
Hồi cuối tháng 8-2022, lãnh đạo Câu lạc bộ Bóng đá thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành phố giao đất trong Khu công viên Thạnh Mỹ Lợi (13ha) ở thành phố Thủ Đức đang để trống nhiều năm để xây sân vận động mới 60.000 chỗ ngồi. Còn Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Sài Gòn Trần Hòa Bình đề xuất được cùng doanh nghiệp đầu tư nâng cấp Sân vận động Thống Nhất đạt chuẩn quốc tế.
Theo Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Lâm Ngô Hoàng Anh, các nhà đầu tư cũng đang đề xuất thực hiện một số hạng mục công trình trong Khu Liên hợp thể thao Rạch Chiếc, gồm: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu liên hợp; Nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp và thi đấu Futsal; Sân vận động 50.000 chỗ có bố trí đường chạy điền kinh…
Tuy nhiên, những dự án này chưa thể triển khai, một phần do quy định pháp luật hiện hành không cho phép áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đối với các dự án mới thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển công trình văn hóa và thể thao tại thành phố Hồ Chí Minh rất hạn chế. Đơn cử, ngành cần phát triển 53 dự án trong giai đoạn 2021-2025, nhưng chỉ được ghi vốn 9 dự án.
Nếu được áp dụng phương thức PPP, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huy động nguồn vốn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Sở Văn hóa - Thể thao đã có kiến nghị gửi HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố có cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực xã hội đầu tư mới cho các dự án.
Vấn đề này cũng được nhiều cử tri thành phố Hồ Chí Minh chất vấn và nhận được văn bản trả lời do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký, trong đó nêu rõ: “Bộ đang xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bên liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp pháp tiếp tục hoàn thiện và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Bộ cũng đã báo cáo, tham mưu Chính phủ chấp thuận phân bổ kinh phí để thực hiện nhiều dự án, trong đó có Nhà hát Thủ Thiêm…”.