Sẵn sàng cho ngày khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Chính trị - Ngày đăng : 16:03, 12/10/2022

(HNMO) - Chiều 12-10, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu bế mạc phiên họp thứ mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ mười sáu, trong đó trọng tâm là các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Điểm lại các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết các nội dung đã được xem xét kỹ lưỡng, cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Chỉ còn hơn 1 tuần là đến ngày khai mạc kỳ họp thứ tư, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan tập trung cao độ, thật sự khẩn trương, rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội có chất lượng cao nhất, bảo đảm phục vụ Quốc hội đưa ra được những quyết sách đúng đắn, kịp thời với sự đồng thuận cao.

“Như vậy, cho đến nay, có thể khẳng định mọi công việc cần thiết để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc kỳ họp dự kiến vào ngày 20-10-2022”, Chủ tịch Quốc hội nói.

* Trước đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Báo cáo việc chuẩn bị nội dung kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với nội dung về tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ mười sáu, nếu Chính phủ kịp hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng thì sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp này; trường hợp không chuẩn bị kịp thì trình Quốc hội tại kỳ họp sau (kỳ họp thường lệ hoặc bất thường). Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư để trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Đối với nội dung về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, do hiện nay, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII mới cho ý kiến định hướng, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ phải chuẩn bị bảo đảm chất lượng, tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, nên nội dung này đề nghị chưa đưa vào chương trình kỳ họp thứ tư.

Nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, do Chính phủ gửi tài liệu quá muộn không bảo đảm đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp cho ý kiến. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư.

Chính phủ có Tờ trình đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư theo ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội để kịp thời thể chế hóa Quy định về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ trong tổ chức thực hiện và nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư.

Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bố trí phiên chất vấn trong 2,5 ngày (từ chiều 3-11 đến ngày 5-11-2022; bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy trong thời gian diễn ra kỳ họp (ngày 22-10 và ngày 5-11-2022). Giảm thời gian thảo luận ở hội trường từ 0,5 ngày xuống còn 0,25 ngày/1 nội dung đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, khai mạc vào ngày 20-10-2022, bế mạc vào ngày 15-11-2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị đối với một số nội dung chưa bảo đảm trình Quốc hội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội cố gắng hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022. Đối với các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư sắp tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện nhanh nhất với chất lượng cao nhất.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại kỳ họp này sẽ mời đại diện lãnh đạo 33 tỉnh, thành phố dự khán phiên thảo luận về kinh tế - xã hội; mời đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố dự khán phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi).

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu kéo dài thêm thời gian giữa thảo luận tổ và thảo luận hội trường của Luật Đất đai (sửa đổi); việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được thông qua tại hai kỳ họp hay ba kỳ họp sẽ do Quốc hội quyết định. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp cùng các cơ quan liên quan bảo đảm các điều kiện phục vụ, bảo đảm kỳ họp diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cho ý kiến về Bộ Nhận diện Quốc hội Việt Nam.

Mai Hữu