Giải đáp các vấn đề liên quan đến quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình

Đời sống - Ngày đăng : 16:20, 13/10/2022

(HNMO) - Sáng 13-10, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo Phổ biến Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1-10-2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-6-2016 của Chính phủ về cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng đại diện đơn vị chức năng trả lời, trao đổi ý kiến với các nhà đài, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị chức năng của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã giới thiệu một số quy định mới về quản lý, cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP; quy định mới về quản lý liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình và biên tập, phân loại dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu (VOD).

Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng đại diện các đơn vị chức năng của Cục đã lần lượt giải đáp, trả lời câu hỏi của đại diện các đài, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình về một số vấn đề quan tâm của Nghị định. Các giải đáp liên quan đến hoạt động liên kết, sản xuất chương trình truyền hình và biên tập, phân loại VOD.

Trong đó, ngoài việc tăng cường quản lý với hoạt động liên kết, tăng trách nhiệm kiểm soát với sản phẩm liên kết trên không gian mạng, Nghị định mới tăng tính chủ động cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình được chủ động biên tập, phân loại sản phẩm trong lĩnh vực giải trí, thể thao (Khoản 1, Điều 20)… Nói cách khác, doanh nghiệp được chủ động trong khuôn khổ pháp luật.

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng làm rõ thêm về quy định tại Khoản 6, điều 17 Nghị định về việc “Không gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn tại nước ngoài. Các nội dung nếu có phải được cài đặt tại Việt Nam…” là nhằm bảo đảm không vượt quá 5% tổng thời lượng phát sóng theo quy định của Luật Quảng cáo; đồng thời, vừa bảo đảm không bị thất thu nguồn quảng cáo cho Nhà nước, vừa ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, hai bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông đã, đang xây dựng thông tư hướng dẫn phân loại các nội dung thuộc 3 nhóm: Tin tức, phim, giải trí. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn về âm thanh, kiểm tra, chấn chỉnh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điều chỉnh âm lượng (âm thanh) khi cung cấp dịch vụ truyền hình tới người dùng.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các đơn vị chức năng liên quan sẽ có buổi làm việc để cùng thống nhất phương án quản lý với các nhà cung cấp đa nền tảng, trường hợp nào tuân thủ theo Luật Điện ảnh, trường hợp nào tuân thủ theo Nghị định 71/2022/NĐ-CP và sẽ làm rõ trong các văn bản pháp luật ban hành sắp tới cũng như công bố rộng rãi tới các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo.

Những quy định mới được bổ sung trong Nghị định 71/2022/NĐ-CP là những nội dung rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước và hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên internet của cả doanh nghiệp trong nước và xuyên biên giới.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ sớm hoàn thiện việc hợp nhất 2 Nghị định 06/2016/NĐ-CP và 71/2022/NĐ-CP thành một văn bản để tiện theo dõi và triển khai.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ việc ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP là nỗ lực lớn của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp của Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, nhằm điều chỉnh chính sách pháp luật cho phù hợp thực tiễn.

Từ năm 2018, thời điểm bắt tay sửa Nghị định, cho đến nay đã chứng kiến sự phát triển của những phương thức cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình mới mà Nghị định 06/2016/NĐ-CP trước đây chưa có đầy đủ khung pháp lý để điều chỉnh, như hoạt động cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet, bao gồm cả dịch vụ xuyên biên giới trên mạng vào Việt Nam. Do vậy, mới xảy ra tình trạng “bảo hộ ngược”, khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước tuân thủ đầy đủ quy định nhưng các doanh nghiệp xuyên biên giới gần như không phải chịu sự kiểm soát nào.

“"Bảo hộ ngược" không phải ý chí của Nhà nước, nhưng việc hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh tình trạng này cần phải có thời gian. Chính phủ rất xem trọng và cân nhắc nhiều trong vấn đề này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Nghị định 71/2022/NĐ-CP ra đời sẽ tránh "bảo hộ ngược" và kịp thời có quy định quản lý phù hợp để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trên cùng một mặt bằng pháp lý và cùng phát triển.

Thanh Hà