Xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 15/10/2022
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Xây dựng Hà Nội thành thành phố hiện đại nhưng vẫn giàu truyền thống
Kể từ sau ngày 10-10-1954 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi về không gian, diện mạo đô thị. Trước hết, với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội hiện đã được nâng tầm về quy mô, đây là điều dễ cảm nhận nhất đối với du khách và cả những người từng sống ở Hà Nội. Tính đến nay, chúng ta đã có 4 lần điều chỉnh địa giới. Đặc biệt, lần điều chỉnh địa giới gần nhất vào năm 2008 đã nâng tầm Hà Nội thành một đô thị có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ hai - sau thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hà Nội còn là một trong 12 thủ đô trên thế giới có quá trình lịch sử phát triển hơn nghìn năm. Tiếp đó, Hà Nội đã có 7 lần điều chỉnh quy hoạch và mỗi một lần đều đưa ra những mục tiêu cụ thể.
Về kiến trúc, trước khi hòa bình lập lại, Hà Nội chưa có những công trình hiện đại, công trình cao nhất chỉ hơn 7 tầng, nhưng giờ đây chúng ta đã có những công trình trên 80 tầng. Về diện mạo, nếu như trước đây Hà Nội chủ yếu phát triển về phía nam sông Hồng thì từ những năm 2000, sau quy hoạch chung được duyệt năm 1998, đô thị trung tâm đã vượt qua sông Hồng sang phía Bắc. Hay trước năm 1954, cầu qua sông Hồng chỉ có cầu Long Biên thì bây giờ chúng ta đã xây dựng được 8 cây cầu và sắp tới sẽ có tổng cộng 18 cây cầu vượt qua sông Hồng, trong đó có những cây cầu mang tầm vóc quốc tế. Ngoài ra, hệ thống giao thông cũng có rất nhiều đổi mới. Nếu như trước năm 1954, hệ thống đường giao thông còn rất nhỏ, hẹp thì đến nay, chúng ta đã có một hệ thống đường giao thông tiến bộ và trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều phương tiện giao thông ứng dụng năng lượng mới, năng lượng xanh...
Trong giai đoạn tới, để xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, chúng ta cần chú trọng phát huy nguồn lực khoa học, hướng tới một thành phố thông minh. Đồng thời, Hà Nội cũng là một đô thị có truyền thống hàng ngàn năm, vì thế, chúng ta cần chú trọng phát triển hệ thống di sản đô thị. Có như thế, Hà Nội mới trở thành một thành phố hiện đại nhưng không mất đi bản sắc văn hóa, truyền thống ngàn năm văn hiến.
Chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:
Hà Nội đang có những bước tăng trưởng thần kỳ
Trong những năm qua, kinh tế Hà Nội đã hồi phục và tăng trưởng một cách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP cũng như các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Chúng ta biết rằng, một trong những kết quả đầu tiên và quan trọng nhất là đến hết 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm kinh tế quốc dân của Hà Nội đã tăng khoảng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức bình quân 8,83% của cả nước. Như vậy, Hà Nội cũng đang xếp vị trí cao trong các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy những chỉ tiêu quan trọng mà Hà Nội đã đạt được, đó là chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội trong 9 tháng vừa qua đã tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, phản ánh sự hồi phục và tăng trưởng một cách đáng kể của lĩnh vực công nghiệp Hà Nội. Tiếp đó, Hà Nội đã thu hút được 1,019 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của Hà Nội đạt mức 2.203, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 244.100 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ của năm 2021. Con số này thể hiện các ngành nghề trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Hà Nội đang hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn những tồn tại, như tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp, thấp hơn mức trung bình toàn quốc và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước. Đến ngày 9-9-2022, thành phố giải ngân được 15.334,9 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, vẫn còn thấp so với yêu cầu, trong đó, cấp thành phố đạt 23,5%, cấp huyện đạt 34,9%. Thời gian tới, hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cùng sự quyết tâm của chủ đầu tư các dự án, Hà Nội có thể giải quyết được ở
mức trên 90% như Thành ủy, UBND Thành phố đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long:
Văn hóa Hà Nội mãi là niềm tự hào
Văn hóa Hà Nội, đặc biệt là con người Hà Nội có một cái gì đó rất hấp dẫn, rất cuốn hút. Không phải ngẫu nhiên mà trong con mắt của du khách và các tổ chức du lịch quốc tế, Hà Nội được coi là thành phố đáng sống, Thành phố Vì hòa bình, được người dân trong nước ngợi ca là Thủ đô Anh hùng, được UNESCO ghi danh vào mạng lưới Thành phố sáng tạo... Đây là một sự thành công, điều đáng tự hào của văn hóa Hà Nội. Tiếp đó, Hà Nội hiện vẫn giữ được những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và một loạt di sản văn hóa cấp quốc gia khác...
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, công tác phát triển văn hóa Hà Nội vẫn còn hạn chế nhất định. Hạn chế lớn nhất là văn hóa Hà Nội chưa thể hiện vai trò đi đầu trong một số phần việc; nhiều hoạt động chưa đặc sắc, chưa thể hiện được vị thế của một trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước. Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù đã triển khai hai bộ quy tắc ứng xử nhưng vẫn còn xuất hiện những hành vi không đẹp nơi công cộng. Tôi hy vọng, thời gian tới, với sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố, văn hóa Hà Nội sẽ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa có những bước tiến dài, tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, và đặc biệt là xây dựng người Hà Nội thật sự là những con người thanh lịch, văn minh, để văn hóa Thủ đô mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước.