''Lửa ấm về các miền quê'': Chuyện bây giờ mới kể

Đời sống - Ngày đăng : 08:34, 18/10/2022

(HNNN) - “Anh Bình viết cho mình bài thơ về đề tài mà mình và anh Hồ Huy đã trao đổi nhé!”. Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi, khi ấy mới về nhận nhiệm vụ tại Báo Hànộimới ít ngày, nói với tôi như thế sau cuộc làm việc của anh với anh Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mai Linh, về nỗi trăn trở của các anh khi chỉ trong một thời gian ngắn (từ đầu tháng 1-2008 đến ngày 15-2-2008), gần 7 vạn trâu, bò của đồng bào vùng cao, miền núi phía Bắc bị chết vì đợt rét đậm, rét hại kỷ lục.

Đại diện lãnh đạo Báo Hànộimới và nhà tài trợ trao trâu cho một gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt giá rét đầu năm 2008.

Tôi cười song không dám nhận lời, vì quả thực tôi biết mình chưa “bắt” được cái “ý tại ngôn ngoại” mà hai anh đã nhiều ngày cùng trăn trở, day dứt đến mất ăn mất ngủ.

Nhưng rồi, rất tình cờ, chiều 21-2 ấy, trong lúc ngồi trao đổi với Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi về đề tài chuyên mục “Luận bàn & Hành động”, tôi “chộp” được cái ý mà anh giãi bày rằng: “Bao nhiêu đêm mất ngủ, cứ trở mình là lại thấy cảnh sương giá trắng núi đồi, rồi trâu bò gục ra chết hơn ngả rạ”, tôi đã bật lên: “Xong bài thơ rồi nhé!”.

Và hôm ấy, tôi đã thức cả đêm để hoàn thành bài thơ “Đêm trở mình” mà khổ cuối của bài thơ chính là gợi ý và mong muốn của Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi, khi anh nói: “Bác làm sao nói được cái day dứt, trách nhiệm của những người lính đang làm việc trên mọi lĩnh vực, trước mất mát lớn lao của bà con ta, em sẽ cho đăng trang nhất ngay”.

Lại nói tiếp về Hồ Quang Lợi, sau khi về Báo Hànộimới, nhận trách nhiệm là Tổng Biên tập một tờ báo Đảng có bề dày truyền thống nhất nước, anh luôn thể hiện nhiệt huyết của một người luôn khát khao đổi mới. Về báo vào tháng 1-2008, anh bắt tay ngay vào việc nâng cao chất lượng nội dung. Và chuyên mục “Chào ngày mới”, sau được đổi thành “Luận bàn & Hành động”, đã ra đời, để cho đến hôm nay vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi không giao chuyên mục ấy cho bất kỳ một ban chuyên môn nào. Anh chọn ra một số cây viết sắc sảo trong số các trưởng phó ban, phóng viên, biên tập viên... và nhóm này thường được mời lên phòng anh dăm phút để thống nhất đề tài. Và chính cái “dăm phút thống nhất đề tài ấy” đã tạo cho tôi cơ hội tham gia trực tiếp Cuộc vận động “Lửa ấm về các miền quê”.

Chuyện là thế này: Chiều hôm ấy, tôi và nhà báo Huy Thịnh được Tổng Biên tập mời đến để thống nhất đề tài cho số báo ngày hôm sau. Đang dở cuộc trao đổi, một phóng viên của Ban Công tác - Xã hội - Từ thiện mang tới bài viết giới thiệu về sự ra đời của cuộc vận động. Lướt nhanh bài báo, anh trao đổi với phóng viên rồi quay sang tôi và Huy Thịnh, đặt vấn đề: “Các anh viết lại bài này giúp tôi nhé!”. Thế rồi sau bài báo được nhờ một cách bất đắc dĩ, tôi nhận được quyết định “chịu trách nhiệm chính trong công tác tuyên truyền cho Cuộc vận động Lửa ấm về các miền quê”.

Làm việc với Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi, cái tôi thích ở anh là sự chủ động, sâu sát mà rất cụ thể. Để có được 1.000 con trâu, bò đưa đến tận tay người nông dân bị thiệt hại, trước mỗi chuyến bàn giao thực tế đều có những cuộc khảo sát nhanh và chính xác của đoàn tiền trạm. Anh không thông qua nhiều tổ chức mà trực tiếp làm việc với Tổng Biên tập báo Đảng ở các địa phương bị thiệt hại, qua đó kết nối trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của tỉnh ấy để lập kế hoạch chi tiết cho mỗi chuyến đi.

1.000 con trâu, bò chia đều cho 10 tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề nhất, tính ra tiền, vị chi mỗi tỉnh có 450 triệu đồng (4,5 triệu đồng/con). Tại mỗi tỉnh, sẽ chọn một địa phương có hoàn cảnh khó khăn hơn cả để trao trực tiếp và số tiền chia cho mỗi tỉnh sẽ được đoàn bàn giao trực tiếp cho bộ phận có trách nhiệm của địa phương được nhận tài trợ.

Xin nói rõ để bạn đọc hiểu, ngày ấy việc chuyển tiền không dễ dàng và thuận tiện như ngày nay, do đó đơn vị tài trợ phải trực tiếp mang tiền mặt đi, rồi đến bàn giao cho địa phương được nhận tài trợ.

Chuyện đi đường xa, lại “ôm” theo hàng tỷ đồng tiền mặt quả là không dễ dàng chút nào. Ai cũng hiểu niềm vui của người được nhận tài trợ lúc ngặt nghèo nhất quý giá thế nào. Nhưng, chắc chả mấy ai hiểu, nỗi “khổ” của người ôm cả một túi tiền to trong một chuyến đi dằng dặc như thế. Chắc Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi cũng hiểu điều ấy, nên anh chia đoàn từ thiện ra nhiều nhóm khác nhau và các nhóm “hành quân” theo lối “cuốn chiếu” (đoàn này hoàn thành chương trình ở một, hai tỉnh thì tại các tỉnh khác đã có đoàn khác bắt đầu thực hiện công việc).

Kể ra, nếu đúng lịch trình như thế thì tôi sẽ đỡ vất vả hơn vì luôn phải “gồng gánh” phần bài vở cho mỗi chuyến đi (trực tiếp viết bài). Nhưng có lẽ vì “thích” lối viết của tôi, Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi ít khi cho tôi về cùng nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên. Thành thử tôi lại có dịp “chạm” vào nhiều góc đời sống của những người lao động nghèo khó, nay lại khó hơn trong lúc hoạn nạn. Để rồi nhận ra ở họ cảm xúc chân thật nhất, òa vỡ đến tận cùng sau phút nhận quà.

Những người nông dân gặp nạn ở Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang..., những nơi tôi đã may mắn có mặt, nhiều khi thức trắng đêm, lặn lội qua nắng qua mưa để có mặt tại điểm nhận quà... luôn đem lại cho tôi cảm xúc khó tả. Những giọt nước mắt hạnh phúc, cái nắm tay không muốn rời mà họ đã dành cho tôi, cho tất cả anh em trong đoàn công tác đã nói lên tất cả. Những câu chuyện ấy, ai đã từng một lần đến, có mặt trong đoàn từ thiện đều có thể cảm nhận được.

Đặc biệt, tôi muốn kể về câu chuyện rất nhỏ của chúng tôi trong lần thực hiện Cuộc vận động “Lửa ấm về các miền quê” ấy.

Chuyện thế này. Đúng ra, trong mỗi nhóm công tác của đoàn tại một vài tỉnh, việc quản lý được giao cho Phòng Tài chính của Báo. Thế nhưng, ngày lên Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái là ngày quốc lộ 6 và quốc lộ 2 đang bị “cày” bung lên để nâng cấp. Thành thử, hầu như chưa khi nào đoàn đến địa phương đúng giờ như đã hẹn. Chiếc xe con tôi ngồi nếu không có tay lái cừ Tiến Chiến hôm ấy chắc chắn đã trôi tuột xuống vực bởi bánh xe đâu có bám được mặt đường. Phải nói là hôm ấy Tiến Chiến đã “vật lái” chứ không phải là “đánh lái” nữa để hướng đầu xe vào ta luy. Suýt chết nhưng đêm về vẫn ấm lòng khi đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên (chị Lò Mai Trinh, lúc ấy là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra) vẫn thức chờ đón chúng tôi rồi lại chu đáo bố trí chỗ ăn nghỉ an toàn. Nói “an toàn” là vì chuyến công tác ấy Phòng Tài chính của báo không có người đi cùng, thành thử tôi phải “ôm” cái túi tiền hơn tỷ bạc, không lo mới là lạ.

Nhưng hôm về Lào Cai mới “mệt”. Đoàn nghỉ tại một khách sạn ở Sa Pa. Mà khách sạn thì ai dám cam đoan là an toàn. May mà trời lạnh nên cả núi tiền ấy tôi nhét vào đủ các túi trên chiếc áo khoác to mang theo người khi ra ngoài ăn tối. Đêm về, tôi dỡ giường ra, rải tiền xuống dưới rồi phủ đệm lên trên. Cho đến ngày hôm sau, khi món tiền tình nghĩa đã được bàn giao đầy đủ và đúng địa chỉ thì tôi mới thở phào, nỗi lo vơi bớt phần nào...

Nguyễn Hòa Bình