Bão mạnh trên biển, chưa có dấu hiệu gây mưa cực đoan trên đất liền
Đời sống - Ngày đăng : 09:45, 18/10/2022
Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó bão số 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, sáng 18-10, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 4h hôm nay (18-10), bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Bắc; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Đây là cường độ mạnh nhất của cơn bão và tiếp tục duy trì trong 6-12 giờ tới.
Đến 4h ngày mai, bão đi vào khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Khi vào gần vùng biển đất liền, gặp không khí lạnh và ma sát lớn, bão suy yếu nhanh.
Đến 4h ngày 20-10, bão cách tỉnh Quảng Bình khoảng 100km về phía Bắc, cách tỉnh Hà Tĩnh 120km về phía Đông Đông Nam với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9...
"Đến thời điểm này, cơ quan khí tượng thủy văn chưa phát hiện dấu hiệu bão số 6 gây mưa lớn, cực đoan trên đất liền", ông Mai Văn Khiêm cho biết.
Báo cáo công tác ứng phó bão số 6, đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết đã phối hợp các địa phương thông báo, hướng dẫn 59.719 tàu với 270.561 lao động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.
Hiện nay, trên khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa) còn 3 tàu của tỉnh Quảng Ngãi với 33 lao động đang hoạt động. Trên các vùng biển ảnh hưởng của bão hiện không có tàu cá hoạt động.
Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị Trung Quốc và Philippines tạo thuận lợi cho ngư dân Việt Nam vào trú tránh bão. Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó; tiếp tục giúp nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ. 13 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định thông báo, kiểm đếm tàu thuyền trên biển.
Ngoài ứng phó bão số 6, các tỉnh, thành phố miền Trung tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả mưa lũ: Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở, đường giao thông, công trình, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng...
Cập nhật về thiệt hại tại các tỉnh, thành phố miền Trung, tính đến sáng 18-10, mưa lũ đã làm 8 người chết; trong đó, thành phố Đà Nẵng có 4 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 2 người, tỉnh Quảng Nam 1 người, tỉnh Quảng Trị 1 người.
Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm 5 ngôi nhà bị sập đổ, 33 ngôi nhà bị thiệt hại; 380ha hoa màu và 221ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 60.427 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện còn 1.500 ngôi nhà bị ngập từ 0,1-0,2m...
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; trong đó, khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm trên biển, đặc biệt là 3 tàu ở tỉnh Quảng Ngãi còn ở khu vực đảo Đá Lồi; rà soát phương án ứng phó với bão ven bờ, trên đất liền...