Xây dựng văn minh đô thị: Bắt đầu từ... vỉa hè
Đời sống - Ngày đăng : 07:30, 19/10/2022
Những vỉa hè bị “đánh cắp”
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 350 khu đô thị. Các khu đô thị mới này hầu hết đều tuân thủ quy định, quy chuẩn về quy hoạch không gian, hạ tầng, thiết kế... Tuy nhiên, trải qua quá trình sử dụng, sự đồng bộ, hiện đại dần biến đổi, thay vào vẻ văn minh là sự nhếch nhác, lộn xộn - điều có thể thấy rõ qua hệ thống vỉa hè, lòng đường.
Vỉa hè là không gian thuộc về cộng đồng, không thuộc quyền sở hữu của chủ các căn hộ hay bất kỳ cá nhân nào. Tuy nhiên, một điều dễ dàng nhận thấy là tại nhiều nơi, nhất là tại các khu đô thị mới, vỉa hè đang được nhiều cá nhân chiếm dụng, bắt “đẻ ra tiền”, coi đó là “lợi tức” đương nhiên được hưởng. Đặc biệt, tại các dãy nhà liền kề bám vào những trục đường lớn, các hoạt động kinh doanh đều tràn ra vỉa hè. Chủ nhà tự phân bổ thêm chức năng cho vỉa hè, coi đó là nơi để kê bàn ghế cho thực khách ăn uống; trông giữ xe; làm nơi đỗ xe ô tô của gia đình...
Từ hoạt động này phát sinh một lượng rác thải lớn, khiến phố phường ngày càng nhếch nhác... Thậm chí, ngay với những khu đô thị kiểu mẫu, “vang bóng một thời” như Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Thanh Xuân), Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông)..., đến nay, phần lớn công năng vỉa hè đã bị “biến dạng”.
Còn với những dãy nhà biệt thự, nơi ít có hoạt động kinh doanh hơn thì vỉa hè cũng bị biến thành của riêng của người “có tiền”. Hầu hết các căn biệt thự đều có ga ra, nhưng chủ nhà vẫn để xe ô tô trên vỉa hè, thậm chí cả dưới lòng đường trước cửa nhà mình. Rất nhiều chủ biệt thự tự cho mình quyền đặt chậu cây cảnh lớn quây vỉa hè theo ranh giới căn hộ; thậm chí còn đặt cả ghế đá, xích đu ở đó, biến vỉa hè thành nơi trồng rau...
Không chật chội, bí bách nhưng nhiều khu đô thị mới chưa kín cư dân về ở như Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông), khu đô thị Louis City Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)... cũng xuất hiện tình trạng này. Thậm chí, ngay với khu đô thị được cư dân xếp hạng “thượng lưu”, “đáng sống” như The Manor Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) - nơi từng được ví là “Paris giữa lòng Hà Nội”, hay làng Việt kiều châu Âu gồm các biệt thự biệt lập, song lập, liền kề, chung cư mang phong cách châu Âu, tọa lạc trong khu đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông)..., nhiều khu vực vỉa hè dành cho người đi bộ cũng không còn.
Trao đổi câu chuyện “vỉa hè bị đánh cắp”, kỹ sư xây dựng Võ Quang Huy, Công ty TNHH Thyssenkrupp Industrial Solutions Việt Nam, lý giải: “Thực trạng này cho thấy cách ứng xử của một bộ phận cư dân chưa theo kịp tiêu chuẩn sống văn minh, hiện đại. Với tư duy “tấc đất, tấc vàng”, như một thói quen khó bỏ, nhiều người vẫn tranh thủ tìm cách chiếm dụng đất công càng nhiều càng tốt. Thậm chí có những ngôi nhà, căn biệt thự đáng giá cả chục tỷ đồng, cây xanh trong khuôn viên nhà và quanh nhà không thiếu, ga ra và sân nhà rộng nhưng chủ nhà vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm của riêng. Việc này sẽ ngày càng trầm trọng nếu công tác quản lý của các cơ quan chức năng và chủ đầu tư vẫn lỏng lẻo, thiếu tinh thần trách nhiệm”...
Tạo dựng “hạt nhân” văn minh đô thị
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, mỗi khu đô thị được biến thành một “lãnh địa” của chủ đầu tư dự án nên việc quản lý không giống nhau. Dù các quy định về quản lý đô thị đã đầy đủ, nhưng do công tác quản lý bị buông lỏng cả từ phía chính quyền và các chủ đầu tư nên dường như mọi người đều thầm chấp nhận việc vỉa hè, lòng đường bị “xà xẻo”... Dần dần, hạ tầng ngày càng bị biến dạng, khiến bộ mặt đô thị kém văn minh.
Là một trong những địa phương trên địa bàn quận Hà Đông có khu đô thị lớn, Phó Chủ tịch UBND phường La Khê, Bạch Quang Đại cho biết: “Khu đô thị mới Văn Khê dù đi vào hoạt động đã lâu nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao bất cứ hạng mục nào về UBND phường quản lý vì chưa đủ điều kiện theo quy định. Đã rất nhiều lần lực lượng chức năng của phường phối hợp với Ban quản lý dự án Văn Khê ra quân xử lý nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, vi phạm sau đó lặp lại... “Do chưa bàn giao hạ tầng cho chính quyền quản lý nên việc khắc phục các tồn tại này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của chủ đầu tư. Điều này đã được chứng minh, khi trên cùng một mặt bằng pháp lý, trên cùng địa giới hành chính của phường nhưng tại dự án Park City Hà Nội, các vấn đề về trật tự đô thị được thực hiện rất kỷ luật. Tại đây, vỉa hè, lòng đường luôn được giữ sạch, đẹp, văn minh...” - ông Bạch Quang Đại cho hay.
Nhìn nhận khách quan, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng đặt câu hỏi: Vì sao, cùng một chế định pháp luật trong quản lý trật tự và văn minh đô thị nhưng rất nhiều dự án như Vinhomes Ocean Park 1 (huyện Gia Lâm), Vinhomes Riverside (quận Long Biên), Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai)... đều bảo toàn được trọn vẹn chức năng của vỉa hè, đường phố? Đó là do chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định pháp luật, thực hiện đúng cam kết phục vụ tiện ích sống của cư dân. Và trên hết, đây là cách chủ đầu tư nâng tầm thương hiệu, giữ chữ tín với cộng đồng. Như vậy, việc giữ “sạch” vỉa hè, lòng đường không phải là không làm được. Do đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, đặc biệt là với những khu đô thị chưa bàn giao hạ tầng cho chính quyền quản lý. Còn về phía chính quyền, dù chưa được bàn giao về hạ tầng nhưng vẫn phải có trách nhiệm phối hợp, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để trả vỉa hè, lòng đường về đúng chức năng...
Đồng quan điểm với kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Đặng Tất Đạt khẳng định: Hiện chưa có quy định về thời hạn bắt buộc chủ đầu tư phải bàn giao hạ tầng cho chính quyền quản lý, vì thế, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh việc hậu kiểm sau đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hạ tầng, đồng thời có kiến nghị cụ thể, nêu các khó khăn, tồn tại để Thành phố cùng vào cuộc giải quyết.
Vẫn biết, vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng không phải là chuyện riêng của khu đô thị mới. Nhưng, với lợi thế về sự đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội có thể nghiên cứu việc lấy các khu đô thị mới làm “hạt nhân” để xây dựng những tuyến phố, vỉa hè kiểu mẫu một cách thực chất. Việc này cần được thực hiện ngay, trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì mới mong Thủ đô có những khu đô thị mới theo đúng nghĩa văn minh, hiện đại.