Phát huy hiệu quả của cơ chế đặc thù

Chính trị - Ngày đăng : 06:11, 19/10/2022

(HNM) - Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai, phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cú hích cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Việc sử dụng nguồn lực được phân cấp cho phép thành phố Hà Nội chủ động trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: Đỗ Tâm

Thêm nguồn lực quý báu để phát triển Thủ đô

Theo báo cáo của Chính phủ, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14, thành phố Hà Nội đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển. Trong đó, về việc hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, dự kiến nguồn thu bổ sung cho nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch năm 2021 bố trí 2 nghìn tỷ đồng và năm 2022 bố trí 7,92 nghìn tỷ đồng cân đối cho các dự án đầu tư của thành phố.

Về việc cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, đây là cơ chế rất “mở” so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước nhằm tạo sự chủ động cho Hà Nội trong việc sử dụng nguồn lực được phân cấp. Thực hiện cơ chế này, năm 2022, thành phố sử dụng 3 nghìn tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển, không thực hiện huy động nguồn vốn trong nước. Chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo các năm đều bảo đảm không thấp hơn dự toán Trung ương.

Bên cạnh đó, thành phố đã quyết định sử dụng 6,9 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay đã bố trí hơn 230 tỷ đồng cho 249 dự án đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu.

Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã quyết định sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ một số địa phương khác trong nước khoảng 180 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2022 để xây dựng trường học, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời cho phép các quận hỗ trợ các huyện khó khăn khoảng 650 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2020-2022.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Hà Nội đã áp dụng khá thành công chính sách này, giúp các địa phương, địa bàn khó khăn có thêm nguồn lực hết sức quý báu để phát triển, đúng với tinh thần “Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô”.

Giai đoạn 2020-2022, thành phố Hà Nội đã sử dụng ngân sách thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong ảnh: Bàn giao hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Nguyễn Quang

Sớm tháo gỡ những bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 cũng bộc lộ hạn chế. Chẳng hạn như chính sách về phí thuộc thẩm quyền. Đến nay, UBND thành phố Hà Nội mới báo cáo HĐND thông qua một trong 6 đề án phí là Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Để sớm triển khai nội dung này, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm 2022 đề án về các khoản phí, giá dịch vụ gồm: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; phí bảo vệ môi trường đối với chất thải; phí cung cấp thông tin về đo đạc bản đồ; giá dịch vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất...

Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn. Về vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã có ý kiến với Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý 96 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn... Bên cạnh sự chủ động của thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện đúng quy định, tránh chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nghị quyết.

Đối với chính sách về mức dư nợ vay theo Nghị quyết số 115/2020/QH14, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị giữ nguyên mức cho phép Hà Nội được vay không quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp để bảo đảm dự nguồn ngân sách triển khai các dự án lớn về chi đầu tư phát triển...

Tại phiên họp thứ mười sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, sơ kết Nghị quyết số 115/2020/QH14, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị thành phố Hà Nội có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc thí điểm các cơ chế, chính sách. Đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn nghị quyết.

Chỉ còn gần 2 năm nữa, Nghị quyết số 115/2020/QH14 sẽ kết thúc thời gian thí điểm. Nhưng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, tin tưởng thành phố Hà Nội sẽ áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.

Mai Hữu