7 điểm nhấn nổi bật trong công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022

Đời sống - Ngày đăng : 14:18, 23/10/2022

(HNM) - Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác lao động, người có công và xã hội; được giao là cơ quan thường trực Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025", Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang nỗ lực phát huy vai trò, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nổi bật là 7 điểm nhấn trong kết quả công tác.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương khen thưởng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong công tác lao động, người có công và xã hội của Thủ đô.

1. Xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân, ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn thành phố. Đến nay, Hà Nội đã thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho 2.907.969 lượt đối tượng với kinh phí 2.975,42 tỷ đồng, hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND thành phố. Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến ngày 13-9-2022, thành phố đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ cho 420.279 lượt lao động của 13.971 doanh nghiệp với số tiền đã giải ngân là 220,402 tỷ đồng.

2. Sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thành phố giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 189 phiên giao dịch việc làm với 4.944 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 90.128 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 35.613 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 12.832 lao động; đồng thời đã tiếp nhận, thẩm định và đề nghị Sở ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 52.866 người, kinh phí hỗ trợ là 1.356 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 1.131 người, số tiền hỗ trợ là 5,053 tỷ đồng.

3. Công tác tuyển sinh và gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề ngày càng hiệu quả. 9 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo cho 197.919 lượt người, đạt 88,2% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2021. Có 139.701 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, góp phần vào việc cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với hơn 650 lượt doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo, góp phần ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Sở cũng đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố ban hành kế hoạch và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho gần 3.000 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được nâng cao, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%, nhiều ngành nghề được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI”, trong đó có chỉ số thành phần là “Chỉ số đào tạo lao động” của thành phố Hà Nội cũng liên tục tăng. Năm 2021, chỉ số điểm PCI đạt 68,6 điểm đứng thứ 10 toàn quốc, trong đó chỉ số đào tạo lao động đạt 7,85 điểm đứng thứ Nhất toàn quốc, qua đó, khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô. Hà Nội thường xuyên dẫn đầu tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; có nhiều thí sinh được lựa chọn trong thành phần đội tuyển quốc gia đạt thành tích cao tại kỳ thi khu vực, thế giới.

4. Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, chăm lo chu đáo; công tác đền ơn, đáp nghĩa được nhân dân hưởng ứng sâu rộng. 9 tháng đầu năm, toàn thành phố đã giải quyết 16.494 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 63,9 tỷ đồng; đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 81.983 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với số tiền 1.359 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần là 75 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công là 42 tỷ đồng. Ngành cũng đã tổ chức và hoàn thành tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nhân dịp Quốc khánh 2-9-2022, toàn thành phố đã chuyển 3.685 suất quà tặng với số tiền 3,576 tỷ đồng đến các đối tượng chính sách theo quy định. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn thành phố đã trao tặng trên 1,9 triệu suất quà với tổng kinh phí 724,7 tỷ đồng.

5. Công tác giảm nghèo bền vững được các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện với nhiều giải pháp. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, thành phố Hà Nội đến đầu năm 2022 còn 3.612 hộ nghèo, tỷ lệ 0,17% và 30.176 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,38%. Có 12 quận, huyện không có hộ nghèo theo chuẩn mới. Riêng quận Hai Bà Trưng không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

6. Công tác bảo trợ xã hội và hỗ trợ đột xuất ngày càng được quan tâm. Toàn thành phố hiện có 202.359 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và trên 2.800 đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm. Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện hỗ trợ đột xuất đối với các gia đình của 34 nạn nhân với số tiền 823,4 triệu đồng.

Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, toàn thành phố đã có 213.243 lượt trẻ em được tặng quà, nhận học bổng, khám, chữa bệnh miễn phí... với tổng giá trị trên 17,3 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho 83 điểm vui chơi cho trẻ em với tổng kinh phí là 5,715 tỷ đồng.

Về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, 9 tháng đầu năm, toàn thành phố vận động, tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 2.002/3.050 người nghiện ma túy, đạt 65,6% kế hoạch. Trong kỳ, đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 466 học viên; giới thiệu việc làm 231 học viên, tổ chức dạy nghề cho 500/500 chỉ tiêu, đạt 100% kế hoạch năm.

7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và sự minh bạch trong công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Theo Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 27-4-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt và công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các sở và cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đạt 89,71 điểm, đứng thứ 2/22 sở, ngành. Sở đang cung cấp chính thức 84 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, trong đó có 82 thủ tục thực hiện mức độ 3, hai thủ tục thực hiện mức độ 4. Số thủ tục hành chính đăng ký tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia là 59/82 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 71,95%. Đã tiếp nhận 29.089 hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trong đó, đã giải quyết đúng hạn cho 28.123 hồ sơ; đang giải quyết trong hạn 966 hồ sơ, không có hồ sơ nào quá hạn.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, thời gian tới, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thủ đô, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; giải quyết hiệu quả các tệ nạn xã hội”.

Mai Hoa