Ngành bán lẻ “đón sóng” tiêu dùng cuối năm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 23/10/2022
Kỳ vọng sức mua bật tăng
Nếu như thời điểm này năm trước, cả nước vừa bước qua giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sức mua của thị trường ở “mức đáy” thì 9 tháng năm 2022 đã bật tăng mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 4.170.000 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê này tại Hà Nội là 512.000 tỷ đồng, tăng 33,1%. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, đây là chỉ số kinh tế ấn tượng, cho thấy nhu cầu tiêu dùng gia tăng, giúp thương mại dịch vụ phục hồi nhanh. Sự phục hồi này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm với các dịp lễ quan trọng.
Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ: “Đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao, 9 tháng qua, chúng tôi liên tục mở rộng quy mô bằng việc khai trương hàng trăm siêu thị, cửa hàng và cửa hàng đa tiện ích WinMart/ WinMart+ trên phạm vi toàn quốc. Từ những tín hiệu tích cực của thị trường, chúng tôi dự tính năm 2022 sẽ đạt tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước”.
Tương tự, Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị điện máy MediaMart Vương Tuấn Anh đánh giá, sức mua trong quý IV-2022 sẽ tăng nhanh khi đây là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện lớn như: World Cup, tháng khuyến mại Hà Nội, tháng khuyến mại tập trung quốc gia, Tết Dương lịch, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cũng như các ngày hội mua sắm… 9 tháng qua, hệ thống siêu thị điện máy MediaMart đã đưa vào hoạt động thêm gần 40 cơ sở trên cả nước và sẽ tiếp tục khai trương các điểm bán mới từ nay tới Tết Nguyên đán. Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị GO&BigC cũng lạc quan nhận định, dịp cuối năm thị trường tiếp tục xu hướng phục hồi và sẽ sôi động tương đương trước đại dịch.
Tăng kích cầu, bảo đảm chất lượng, giá cả
Tuy thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng có nhiều khởi sắc nhưng theo Tổng cục Thống kê, quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hiện mới chỉ đạt khoảng 84% so với thời điểm trước dịch. Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, việc giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Nhiều nhà bán lẻ cũng cho biết, hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu vẫn có mức tăng giá khá cao, nguồn cung chưa ổn định, chưa kể phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh. Bên cạnh đó, sức mua tuy hồi phục nhưng chưa mạnh bởi nhiều người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu do lạm phát.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để doanh nghiệp vượt qua thách thức, các bộ, ngành, địa phương cần tạo nguồn cung nguyên, vật liệu thay thế từ trong nước hoặc đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cung ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, phân phối các mặt hàng có chất lượng, giá cả phù hợp với số đông người tiêu dùng. “Ngoài việc đẩy mạnh bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp cần tăng cường phương thức bán hàng trực tuyến với nhiều hình thức khuyến mại để đáp ứng xu hướng tiêu dùng”, ông Ngô Trí Long nói.
Để “đón sóng” tiêu dùng cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ. Hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ đang tiến tới mở thêm hơn 300 siêu thị, cửa hàng mới trên toàn quốc. “Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, dồi dào, đồng thời sẽ có nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm”, Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn nói.
Đại diện hệ thống siêu thị GO&BigC cho biết, nhà bán lẻ này sẽ đa dạng nguồn cung để bù đắp lượng thiếu hụt, chú trọng tới nguồn hàng ổn định và giá thấp ở trong nước và sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình khuyến mại nhằm duy trì và thu hút khách.
Hệ thống siêu thị điện máy MediaMart cũng khẳng định sẽ đa dạng hàng hóa sản phẩm, nhà cung cấp; sớm đàm phán với các hãng/nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng chính hãng với chất lượng và chính sách bán hàng tốt nhất; tiếp tục đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố, trong đó dự báo nhu cầu mua sắm tăng hơn cùng kỳ năm trước. Kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa năm nay ước tính trị giá khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước). Thành phố cũng sẽ tổ chức các điểm bán hàng, chuyến hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, chế xuất, các vùng nông thôn; tổ chức các hội chợ xuân, chương trình khuyến mại tập trung thành phố... Ngoài ra, ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.