Phát huy vai trò chủ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thủ đô
Kinh tế - Ngày đăng : 09:40, 23/10/2022
Bám sát tiến độ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng
Năm 2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội được giao triển khai thực hiện khoảng 60 dự án đầu tư công (chưa bao gồm khoảng 70 dự án đang triển khai công tác bàn giao, quyết toán) và 9 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng số vốn được giao hơn 1.900 tỷ đồng (vốn trong nước hơn 1.727 tỷ đồng, vốn ODA 162,908 tỷ đồng...). Trong nhiệm vụ được giao có 1 dự án trọng điểm quốc gia (Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội). 3 dự án trọng điểm nhóm A giai đoạn 2021 - 2025 (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3). 4 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 (hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; hầm chui tại nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; nút giao An Dương Vương - đường Thanh Niên giai đoạn 2; cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch).
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Ban đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện, nỗ lực vượt qua khó khăn, đặc biệt là các giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để dần đưa các dự án “về đích”. Điển hình như dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 sau 2 năm thi công đã “về đích” vào ngày 5-10-2022, đúng dịp kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022). Nhiều thời điểm, các nhà thầu luôn huy động tới 200 - 300 kỹ sư, công nhân bám sát công trường nhằm đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Cùng với đó, khâu kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng công trình. Việc hoàn thành dự án đúng tiến độ kỳ vọng sẽ giúp trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương thoát cảnh ùn tắc.
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cũng đang bám sát các mốc tiến độ đề ra. Dự án được triển khai nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 theo quy hoạch, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng yêu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố. Không chỉ đóng vai trò quan trọng về giao thông kết nối, công trình này còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô.
Nhằm đáp ứng các mục tiêu trên, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã huy động được những nhà thầu rất có uy tín trong lĩnh vực xây dựng cầu đường của Việt Nam hiện nay như: Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long?
Cùng với tập trung thi công nhằm sớm hoàn thành các dự án trọng điểm đang triển khai, Ban đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng... phục vụ thi công theo yêu cầu nhiệm vụ thành phố giao.
Góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại
Ngay trong những ngày này, khi thành phố đang tất bật chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.012 năm Thăng Long - Hà Nội và 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cũng đã có những hành động rất thiết thực. Ngoài dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 vừa khánh thành, Ban đã tổ chức lễ khởi công 2 dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng.
Trong đó, dự án xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng nằm ở ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng quy mô 4 làn xe khởi công vào ngày 6-10-2022 được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết hiệu quả “bài toán” ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Một dự án khác cũng có vai trò rất quan trọng nhằm từng bước thay đổi diện mạo giao thông Thủ đô là dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (khởi công ngày 7-10-2022).
“Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội là dự án thuộc Chương trình 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện môi trường; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng hướng tới tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, văn minh và hiện đại” - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết.
Dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu (bán kính 100 - 500m của các nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội) để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 3.
Hợp phần 2 thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); sử dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và Hệ thống thông tin kiểm soát vận hành; cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các ga đường sắt đô thị...
Hợp phần 3 nghiên cứu các chính sách và quy định. Trong đó, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; hạn chế phát thải.
Ngay trong quý IV-2022, Ban cũng sẽ khởi công dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; đồng thời quyết liệt triển khai nhiệm vụ chủ đầu tư đối với các phần việc được giao tại dự án trọng điểm quốc gia (Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội).
Ghi nhận nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội trong các giai đoạn vừa qua đã góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thủ đô theo quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, với các dự án vừa khởi công, tinh thần xuyên suốt là đã khởi công là làm, làm thì phải “về đích” đúng hạn, bảo đảm chất lượng và an toàn; thực hiện quản lý dự án đúng quy định, tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án.