Bác Hồ với tờ báo của Đảng bộ Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:23, 24/10/2022

(HNM) - Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, mặc dù bộn bề công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đọc báo, viết báo và chỉ đạo báo chí phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Báo Hànộimới, trước đó là Báo Thủ đô, Thủ đô Hà Nội, cũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Người.

Bác Hồ đọc Báo Hànộimới.

1. Sau ngày 10-10-1954, lịch sử bước sang trang mới. Với vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, nhiều nhiệm vụ mới vừa nặng nề, vừa cấp bách được đặt ra. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới báo chí, vừa đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, vừa có bản sắc Hà Nội, là một đòi hỏi bức thiết đối với Thành ủy Hà Nội.

Trên địa bàn Thủ đô lúc đó có 3 tờ nhật báo. Ngoài Báo Nhân dân của Trung ương Đảng thì 2 tờ Hà Nội hằng ngày và Thời mới đều là báo tư nhân. Trước tình hình đó, Nghị quyết số 93-ĐBHN “Về việc xuất bản báo hằng ngày ở Thủ đô” ra đời ngày 26-2-1957, khẳng định quyết tâm có một tờ báo “chính thống” của Thành ủy Hà Nội. Đó là cơ sở quan trọng để ngày 24-10-1957 trở thành mốc son đáng nhớ: Ngày Báo Hànộimới - tiền thân là tờ Thủ đô - ra số hằng ngày đầu tiên.

2. Có thể nói, lịch sử 65 năm xây dựng, trưởng thành của Báo Hànộimới là kết quả của nhiều lần hợp nhất các tờ báo. Không kể lần hợp nhất với Báo Hà Tây ngày 1-8-2008 nhằm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Báo Hànộimới trước đó cũng đã trải qua hai lần hợp nhất với các báo khác. Và thật vinh dự khi cả hai lần hợp nhất này tờ báo đều được Bác Hồ đặt cho cái tên mới đầy ý nghĩa.

Lần thứ nhất là vào năm 1959. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, Thành ủy chủ trương sáp nhập Báo Thủ đô với tờ báo tư nhân Hà Nội hằng ngày. Sau khi biết tin hai tờ báo sẽ hợp nhất, “Bác Hồ xem cả hai tờ báo, sau đó đặt tờ Thủ đô xuống bàn trước, cầm lấy tờ Hà Nội hằng ngày, gập chữ “hằng ngày” lại rồi đặt chữ “Hà Nội” còn lại xuống tiếp cạnh chữ “Thủ đô” và nói: Tên tờ báo sẽ là như thế này...” (“1957 - 1997. Hànộimới những chặng đường lịch sử”). Báo Thủ đô Hà Nội số 1 ra đời ngày 1-1-1959.

Lần thứ hai là vào tháng 1-1968, khi Báo Thủ đô Hà Nội hợp nhất với Báo Thời mới. Trong bài “Bác Hồ hai lần đặt tên cho tờ báo của Đảng bộ Hà Nội” (in trong cuốn “Bác Hồ với báo chí Thủ đô - Ánh sáng soi đường” - Nhà xuất bản Hà Nội, 2015), nhà báo Nguyễn Hải (nguyên Trưởng ban Nội chính, nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Thủ đô, Thủ đô Hà Nội, Hànộimới) viết: “Hôm ấy, anh Lê Hưng đi họp báo thường kỳ ở Vụ Báo chí về nói với tôi: “Thú quá Hải ạ, lần thứ hai Bác Hồ đặt tên cho báo ta. Bác đặt hai tờ Thủ đô Hà Nội và Thời mới kề nhau, lấy tay che chữ “Thủ đô” và chữ “Thời” đi. Thế là báo mang tên Hànộimới”. Sau này nghe tin trên có ý định bỏ chữ “mới” đi, nhưng khi biết Bác là người đã đặt tên ấy thì không đặt ra nữa”.

Báo Hànộimới số 1 ra đời ngày 25-1-1968, cũng chính là số Tết Mậu Thân.

Số báo Hànộimới ngày 1-6-1969 đăng bài của Bác Hồ.

3. Hằng ngày, dù bận nhiều công việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đọc báo và viết bài gửi đăng báo về các vấn đề quan trọng mà Đảng, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo thực hiện. Theo nhà báo Phan Hữu Tích, chỉ tính từ năm 1965 đến trước ngày Bác đi xa, Người đã có 10 bài đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội, sau này là Hànộimới. Bài báo cuối cùng Bác viết cho Hànộimới là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” đăng trên số báo ngày 1-6-1969, với bút danh “T.L”.

Qua đọc báo, Người cũng thường cho ý kiến chỉ đạo đối với lãnh đạo thành phố về các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xây dựng, quản lý đô thị, văn hóa, giáo dục, thuần phong mỹ tục... Đặc biệt, Bác cũng ghi ý kiến, chỉ đạo việc tặng thưởng huy hiệu của Người cho nhiều gương Người tốt việc tốt là cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh Thủ đô... Theo nhà báo Phan Hữu Tích, từ năm 1966 đến năm 1969 đã có hơn 30 bài trên Báo Thủ đô Hà Nội hoặc Hànộimới có bút tích của Bác về việc tặng thưởng huy hiệu của Người... Nhà báo Cẩm Vân kể: Khi báo mở mục “Người tốt việc tốt”, Bác chỉ thị cho văn phòng theo dõi đều đặn, phân loại, chọn lọc, lập thành bản danh sách để hằng tháng Bác xét duyệt và có hình thức biểu dương, khen thưởng... Đối với các bài phát hiện, phản ánh những việc tiêu cực, thường là đăng trong mục “Mỗi ngày một chuyện”, Bác chỉ thị cho văn phòng cắt rời mẩu báo ấy rồi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền - thường là Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố, có khi kèm mấy chữ nhỏ viết chéo bên cạnh: “Đề nghị giải quyết”. Sự quan tâm cùa Bác đã cổ vũ, khuyến khích đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo, đồng thời cũng nhắc nhở tinh thần trách nhiệm, phấn đấu đảm bảo tính chính xác, khách quan...

Trong hồi ức của mình, nhà báo Nguyễn Hải cũng kể về những lần được gặp Bác Hồ. Một lần vào cuối tháng 5-1958, khi ông đi viết tin Bác đến thăm Nhà máy Cơ khí Hà Nội: “Lên hết bậc thang, Bác quay sang tôi, vừa đi vừa hỏi: “Chú ở Báo Thủ đô? Viết báo ký tên gì?”. Tôi báo cáo với Bác, Bác nói: “Báo của Thủ đô thì những việc quan trọng ở Thủ đô báo phải có tin đầy đủ kịp thời”. Ngày 27-3-1964, Bác Hồ gặp các nhà báo sau khi kết thúc Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Hội trường Ba Đình, nhà báo Nguyễn Hải (Trưởng ban Nội chính) và Văn Giáp (phóng viên) của Báo Thủ đô Hà Nội cũng có mặt và được nghe Bác dặn dò: “Báo các chú đưa đều gương người tốt, việc tốt thế là tốt. Dân ta rất tốt, đi đâu cũng có những người tốt. Bác cần đăng nhiều tin bài và cả in hình nữa nhé”. Tại Hội nghị “Ba đảm đang” tổ chức cuối năm 1965, lãnh đạo Thành hội Phụ nữ tìm gặp nhà báo Hải Ly (Phó Tổng Biên tập Báo Thủ đô Hà Nội), nhà báo Nguyễn Hải và cho biết: Thành hội đã gửi Bác báo cáo thành tích của các hội viên tiêu biểu đề nghị Bác thưởng huy hiệu, nhưng ý kiến của Bác là: Không thưởng theo thành tích ghi trong báo cáo. Nếu Báo Thủ đô Hà Nội đăng, Bác sẽ căn cứ vào bài đăng trên báo để thưởng từng người...

Trong suốt hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ người làm báo Thủ đô, Thủ đô Hà Nội và Hànộimới vẫn khắc ghi trong lòng những lời chỉ bảo ân cần của Người: “Cả nước chỉ có một thủ đô là Hà Nội. Báo Thủ đô cũng là báo địa phương nhưng là địa phương thủ đô nên tờ báo phải cố gắng làm tốt cho xứng đáng với Thủ đô”.

Hà Anh