Giữ ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 25/10/2022
Phục hồi và bứt phá mạnh mẽ
Đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh là sự chắc chắn, là xu hướng không thể đảo chiều. Trên thực tế, dù chưa thống nhất trong dự báo về tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2022 là bao nhiêu nhưng một số tổ chức, định chế kinh tế quốc tế đều cho rằng Việt Nam là hình ảnh sáng, tiêu biểu cho việc vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Nhìn chung các dự báo đều đưa ra mức tăng trưởng GDP |từ 7% trở lên cho Việt Nam năm 2022.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là bứt phá rất mạnh trong quý III vừa qua và xu hướng đó đang tiếp tục. Đó chính là chỉ dấu cho thấy GDP sẽ tăng cao trong cả năm 2022. Kinh tế đang thu được kết quả tốt ở nhiều khu vực, như xuất khẩu tăng mạnh bên cạnh sự phục hồi của du lịch, bán lẻ và tiêu dùng nội địa, trong khi lạm phát được kiểm soát tốt. Doanh nghiệp cũng có bước phục hồi khá tích cực, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.
Trong một diễn biến mới, các địa phương đang công bố nhu cầu tuyển dụng lao động để đáp ứng các đơn hàng và xu hướng đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm. Trong đó phần lớn là các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn, như: Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh… với nhu cầu trung bình cần thêm 50-100 nghìn nhân công ngay trong quý IV. Thực tế này cho thấy đà phục hồi và bứt phá đang tiếp diễn trên diện rộng cũng như cơ hội có việc làm và thu nhập ngày càng sẵn sàng hơn đối với người lao động. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện sống tốt và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Kết quả trên có được là nhờ Chính phủ đã đặt mục tiêu kiên trì, tập trung ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thế giới đồng thời triển khai các giải pháp phục hồi và duy trì tăng trưởng trong giai đoạn bước ra khỏi đại dịch Covid-19. Quyết sách và định hướng đó đang thể hiện sự đúng đắn, tỉnh táo và phù hợp ở tầm vĩ mô, cũng như trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đáng chú ý là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực triển khai. Trong 9 tháng năm 2022, đã giải ngân hơn 60.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết của 3 chương trình mục tiêu khoảng 92.000 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch.
Giữ đà sản xuất, xuất khẩu
Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát tốt thị trường trong nước, bảo đảm nguồn cung mặt hàng chiến lược để đáp ứng những cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời đó cũng là biện pháp trực tiếp giữ bình ổn giá, kiềm chế lạm phát và các tác động trên diện rộng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận, việc kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành vĩ mô. Trong quý IV-2022, vấn đề đặt ra là tăng cường kiểm soát thị trường, chống hiện tượng buôn lậu, hàng giả, tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá bất hợp lý. "Phải làm tốt quản lý thị trường, lưu thông hàng hóa bên cạnh việc quản lý giá chặt chẽ, nhất là kiểm soát tốt, kịp thời các yếu tố cấu thành giá, bảo đảm cung - cầu để tránh tình huống bất thường. Nếu quản lý tốt thì mức lạm phát năm 2022 sẽ được kìm hãm dưới 4%, đạt yêu cầu đề ra", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, trước áp lực về tỷ giá, lãi suất, các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là linh hoạt, cần thiết. Giúp ổn định tỷ giá một cách tương đối, theo hướng có lợi cho các hoạt động kinh tế, có sự tính toán, tác động với lãi suất, xuất khẩu, lạm phát… là yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.
Trong các cuộc họp thường kỳ hằng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục bám sát diễn biến thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục. Nói cách khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chính là nhằm huy động và phát huy thêm nguồn lực tổng hợp để phục hồi và tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần tập trung nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với những bất lợi nảy sinh. Dù Việt Nam đạt thặng dư trong giao thương quốc tế suốt 3 quý vừa qua nhưng hiện đã xuất hiện sự “đuối sức” tại thị trường lớn và có sức tiêu thụ mạnh nhất. Thực tế này đặt ra yêu cầu ứng phó linh hoạt để duy trì đà sản xuất, xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, doanh nghiệp nên chủ động đa dạng hóa mặt hàng, linh hoạt trong tìm kiếm thị trường. Một số doanh nhân cũng cho rằng, cần gia tăng khả năng dự báo và sự thích ứng, trong đó chú trọng tìm, chấp nhận những đơn hàng nhỏ cũng như đối tác mới, sẵn sàng thâm nhập thị trường “ngách” để duy trì đà sản xuất, giữ vững nhịp độ xuất khẩu.