Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 18:20, 26/10/2022
5 nhóm nội dung còn ý kiến khác nhau
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có 5 nội dung chính còn ý kiến khác nhau như: Bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, nhóm đối tượng được áp dụng tương tự thành viên của gia đình và bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình…
Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị Khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị xếp loại theo các nhóm hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tình dục và các loại bạo lực khác; một số ý kiến góp ý về nội dung các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lặp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình. Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình; đồng thời chỉnh lý để làm rõ nghĩa hơn một số hành vi bạo lực gia đình tại Khoản 1.
Về đối tượng có hành vi bạo lực gia đình, có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn. Mặt khác, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là "người tình" của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.
Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng. Hoặc vợ chồng tuy đã ly hôn, không là quan hệ gia đình, song là mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình "lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm", theo bà Nguyễn Thúy Anh, mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình, giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật như thể hiện tại Khoản 2 Điều 3 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.
Quan tâm đến trẻ em, các đối tượng yếu thế
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc ngăn chặn xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chuẩn xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó khăn khi giải quyết.
“Cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình”, đại biểu đề nghị. Dù việc bổ sung trách nhiệm này có thể chưa đạt kết quả, tác động lớn ngay, song đại biểu cho rằng sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hằng ngày của người bị bạo lực gia đình, thành viên trong gia đình. Từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu ý kiến về các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Đại biểu cho biết, theo dự thảo, khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc, nếu người có hành vi bạo lực không đến thì công an xã có trách nhiệm đưa người đến trụ sở công an. Thời gian yêu cầu là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tức là giữ lại trụ sở không quá 6 giờ. So với luật hiện hành thì đây là biện pháp mới được bổ sung.
Đại biểu Lý Minh Đức (Đoàn tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị tăng cường vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư cũng như xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt là tăng cường công tác thông tin truyền thông, cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật để người dân hiểu và phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng làm rõ nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau mà các đại biểu quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, qua 17 ý kiến phát biểu tại hội trường đã nhấn mạnh đến 6 nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi lần này, trong đó trước hết là phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, các đối tượng yếu thế trong xã hội trước các hành vi bạo lực gia đình. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị tăng cường trách nhiệm của công an xã trong phòng ngừa xã hội về bạo lực gia đình; việc áp dụng các đối tượng khác như thành viên của gia đình khi xảy ra bạo lực gia đình.
“Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có nhiều điểm mới với nội hàm rộng. Mặc dù đã được tiếp thu qua các kênh khác nhau trong thời gian qua, song vẫn không tránh khỏi những thiếu sót. Vì thế, ngay sau phiên thảo luận này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ và nghiêm túc, đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm cao trên tinh thần xây dựng, nghiên cứu sâu và nhiều vấn đề từ thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp này.