Nâng cao chất lượng đào tạo nghề điều dưỡng
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 27/10/2022
- Nhu cầu nhân lực đối với ngành điều dưỡng ngày càng lớn, bà có thể chia sẻ đôi điều về nhận định này?
- Thực tế cho thấy, cơ hội việc làm đối với ngành điều dưỡng rất cao, không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Tỷ lệ người cao tuổi càng cao, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội càng tăng lên theo độ tuổi. Ở Việt Nam, sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình. Chưa kể, nhiều quốc gia phát triển có dân số già cũng đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc tìm kiếm nhân lực ngành điều dưỡng. Bối cảnh ấy mở ra rất nhiều cơ hội trong tương lai đối với nghề điều dưỡng, nhưng cũng đòi hỏi phải tăng cường đào tạo nhân lực ngành điều dưỡng, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
- Hoạt động của Chi hội giáo viên điều dưỡng Việt Nam thời gian qua đã đóng góp như thế nào vào việc nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên và nhiều hoạt động ý nghĩa khác, thưa bà?
- Qua 12 năm hoạt động, Chi hội đã tổ chức nhiều hoạt động hội thảo, tập huấn, cả trực tiếp và trực tuyến, tập trung vào các chủ đề giảng dạy theo năng lực và chuẩn đầu ra, giảng dạy tích hợp lý thuyết vào lâm sàng, giảng dạy theo tình huống, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bản thân điều dưỡng, tăng cường năng lực toàn diện cho giáo viên…
Vượt qua mọi khó khăn, trong thời gian gần đây, Chi hội đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp toàn quốc, gồm: “Thực trạng nhân lực và năng lực giáo viên điều dưỡng Việt Nam” và “Đề xuất chuẩn năng lực cốt lõi giáo viên điều dưỡng”. Cùng với đó, các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến của các phân hội (điển hình là Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Trường Cao đẳng Y tế Huế, Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên…), cho thấy ngày càng gắn bó với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo nghề điều dưỡng.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các phân hội thuộc Chi hội đã cử hơn 600 lượt giảng viên điều dưỡng và hơn 6.000 sinh viên điều dưỡng tham gia chống dịch tại địa phương và các tỉnh, thành phố khác; tham gia với Bộ Y tế soạn thảo “Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà” và “Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người bệnh Covid-19”…
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề điều dưỡng là việc làm thiết yếu. Bà có thể cho biết hoạt động này ở Chi hội giáo viên điều dưỡng Việt Nam được thực hiện thế nào thời gian qua?
- Chúng tôi đã duy trì hợp tác với nhóm giảng viên điều dưỡng tình nguyện của Hoa Kỳ để hỗ trợ phát triển năng lực hội viên qua các hội thảo, hội nghị, tập huấn về phương pháp giảng dạy, chăm sóc bản thân. Đáng chú ý, cuối năm 2021, Chi hội được Hội Điều dưỡng Việt Nam giao nhiệm vụ đầu mối, phối hợp với Liên minh Giáo dục châu Á - Thái Bình Dương tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến giáo dục điều dưỡng châu Á lần thứ tư, huy động sự tham gia của các chuyên gia điều dưỡng thuộc 11 quốc gia tham dự, gồm 111 đại biểu quốc tế, 306 đại biểu Việt Nam, với 120 báo cáo và đề tài khoa học.
- Thời gian tới, Chi hội sẽ tập trung thực hiện các hoạt động nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động?
- Tăng cường sự tham gia, đóng góp của hội viên với nghề và cộng đồng là một trong các mục tiêu quan trọng của Chi hội giáo viên điều dưỡng Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động tăng cường năng lực hội viên thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị, Chi hội còn tích cực tham gia xây dựng chính sách, chương trình giáo dục điều dưỡng, góp phần hoàn thành Bộ chuẩn năng lực giáo viên điều dưỡng; tham gia đổi mới chương trình đào tạo điều dưỡng ở cấp trường, cấp ngành, tùy theo khả năng, phạm vi của từng hội viên.
- Trân trọng cảm ơn bà!