Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 44,9 tỷ USD
Kinh tế - Ngày đăng : 15:48, 28/10/2022
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành Nông nghiệp tăng trưởng khá với tốc độ tăng 2,99%; năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực tăng, duy trì vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh đó, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3%. Tuy nhiên, hạn hán tại thị trường Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này; lạm phát tại châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực...
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp cả năm từ 2,9-3%, với kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 43-44 tỷ USD. Ngoài ra, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh.
Bộ cũng đã hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản... có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường; đồng thời, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số CPI trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Cùng với đó, phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; tổ chức tốt việc mua, bán, dự trữ lương thực tại các địa phương.