Chủ động chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:52, 30/10/2022
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thời gian qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Nhận định về vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình chỉ rõ, ngoài những nguyên nhân khách quan và chủ quan như phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; hạn chế về nguồn lực, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao..., thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn không ít hạn chế. Thực tế, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường; do đó, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh (KOTRA) Kim Kwan Mook cho biết, với sự hợp tác mạnh mẽ của hai nước, những năm qua, nhiều sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc đã và đang được phân phối tại thị trường Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển của thị trường, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hàng hóa đang bị làm giả, làm nhái rất nhiều với hình thức ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Đặc biệt, gần đây, khi thương mại điện tử phát triển, việc phân phối hàng giả càng trở nên rộng rãi, phổ biến. Hàng giả lưu thông trên thị trường đã gây tổn thất lớn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc và ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam khi lựa chọn, sử dụng phải những sản phẩm không bảo đảm chất lượng.
Đơn cử như hoa quả nước ngoài đội lốt thương hiệu “Hàn Quốc” tràn vào thị trường Việt Nam. Trái lê tươi là mặt hàng bị mạo danh nhiều nhất. Quả lê Hàn Quốc kích thước to, vỏ nâu đậm, còn lê Trung Quốc có kích thước nhỏ hơn, vỏ màu vàng nhạt. Không riêng quả lê, nông sản Hàn Quốc được sản xuất theo chế độ an toàn từ gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch, vận chuyển. Các mặt hàng Hàn Quốc xuất sang Việt Nam có ghi rõ xuất xứ, tên hàng hóa, tên công ty... Riêng mặt hàng hoa quả tươi sẽ được dán tem thương hiệu chung và sau đó mới tiến hành xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều quả lê có nguồn gốc Trung Quốc nhưng khi vào thị trường Việt Nam lại biến thành lê Hàn Quốc. Thực trạng này diễn ra ở cả các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, chứ không riêng thị trường truyền thống.
Đề xuất giải pháp ngăn chặn hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, đại diện Công ty Luật TNHH ROUSE Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; thường xuyên khảo sát trực tuyến và trực tiếp thị trường. Cùng với đó, sử dụng mã QR hoặc bộ tem chống giả do Bộ Công an cung cấp.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải chủ động, mạnh tay, phối hợp chặn các tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng liên quan để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí cho rằng, các doanh nghiệp phải kịp thời xây dựng những biện pháp, kế hoạch ngăn chặn các sản phẩm bị làm giả, sau đó mới là sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan. Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp nước ngoài đang có hàng hóa phân phối tại thị trường Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.