Hà Nội còn 124 bãi tập kết cát, sỏi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí
Đời sống - Ngày đăng : 11:50, 01/11/2022
Hoạt động tái giám sát này được thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố. Trước đó, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Đô thị phối hợp các Ban HĐND thành phố thực hiện khảo sát vào tháng 9 và 10-2020; sau đó, HĐND thành phố đã tổ chức chất vấn tại kỳ họp thứ 18, nhiệm kỳ 2016-2021, nhưng tình hình quản lý lĩnh vực này ở các địa phương vẫn không được cải thiện, người dân bức xúc.
Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, thời gian qua, UBND thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố thuộc nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành quý IV-2023.
UBND thành phố tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp với các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông. Công an thành phố tiếp tục triển khai Quy chế phối hợp số 4409/QCPH ngày 11-11-2016 giữa Công an thành phố Hà Nội với Công an các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam về phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản…
Cũng theo đoàn giám sát ghi nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này, nhưng báo cáo chưa nêu cụ thể và rõ về các nội dung liên quan lĩnh vực này. Hiện có báo cáo của Công an thành phố cụ thể về số liệu và khẳng định, tính đến tháng 9-2022, thành phố có 201 bãi tập kết (trong đó có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí). Như vậy số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố, trong đó 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động).
Qua trao đổi, một số quận, huyện đều nhận định còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn; lực lượng yếu, mỏng, phương tiện ít, còn nhiều hạn chế trong khi các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi và thường vào đêm tối, rất khó phát hiện và xử lý… Đặc biệt, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chưa vào cuộc quyết liệt và còn có tư tưởng “khoán trắng” nội dung này cho ngành Công an.
Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát nhận định, thời gian qua các địa phương đã quyết liệt trong công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, góp phần giảm thiểu vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại bất cập cần có giải pháp chỉ đạo tiếp theo.
Thống nhất đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện, Đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành liên quan phải rà soát công tác quy hoạch, tham mưu UBND thành phố xây dựng ngay quy hoạch bến thuỷ nội địa và quy hoạch bến bãi vật liệu xây dựng. Hai đơn vị tham mưu là Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông - Vận tải cần đồng thời xây dựng hai quy hoạch này, rà soát, đánh giá kỹ trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các quận, huyện.
Về quản lý bến bãi trung chuyển vật liệu, Đoàn giám sát nhận định, khó khăn lớn nhất là công tác tổ chức, cần thiết phải tập trung tháo gỡ các thủ tục về đất đai. Từ đó, Đoàn giám sát đề nghị các sở, ngành cần rà soát, đánh giá các cơ sở để hoàn thiện thủ tục theo quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn chuyên môn. Thực tiễn hiện nay là mỗi bến bãi có khó khăn riêng, do đó phải xác định rõ về nguồn gốc đất, biến động, khi có đề xuất của địa phương thì phải có biện pháp tháo gỡ riêng với từng bến bãi và cần sự phối hợp đồng bộ giữa 3 Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đoàn giám sát cũng đề nghị các đơn vị cần xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng để quản lý lĩnh vực này nhằm sớm tháo gỡ những tồn tại trên.