Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội xem xét 3 nội dung quan trọng
Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 02/11/2022
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
Đề xuất 9 nhóm chính sách lớn trong Luật Thủ đô sửa đổi
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã gợi ý các nội dung thảo luận đối với 2 báo cáo và 1 dự thảo nghị quyết nêu trên. Về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy đề nghị, các đồng chí Thành ủy viên và các đồng chí tham dự hội nghị, với kinh nghiệm thực tiễn từ cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực quản lý của mình, đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và góp ý trực tiếp vào các chính sách nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô (sửa đổi); tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo. Trong đó, cần bàn kỹ, bàn sâu các nhóm chính sách liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, bảo đảm làm sao hệ thống chính trị của thành phố phải thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế...
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các đại biểu thể hiện rõ quan điểm đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin ý kiến hội nghị như: Việc thành lập công ty đầu tư tài chính và kinh doanh vốn nhà nước thuộc thành phố; việc thành phố được quy định tăng thuế và ban hành mới một số loại phí để điều tiết tiêu dùng; việc thành lập các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước thuộc thành phố; vấn đề nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Hà Nội…
Đối với công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy khẳng định, tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây luôn trở thành vấn đề "nóng" mỗi khi có mưa lớn. Đồng chí đề nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kỹ thực trạng đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn cũng như hệ thống xử lý nước thải của từng quận, huyện nói riêng và của thành phố nói chung; đánh giá thực trạng các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn; sự phù hợp của quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt... Đồng thời, làm rõ những nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) để xảy ra tình trạng úng ngập như hiện nay; nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.
“Đề nghị các đồng chí bàn kỹ, bàn sâu và đề xuất những giải pháp căn cơ để Ban Cán sự đảng UBND thành phố tổng hợp, tiếp thu và phân công nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương khắc phục có hiệu quả tình trạng ngập úng trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung nghị quyết bảo đảm bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu cụ thể của thành phố, nhất là về quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết; bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả, an toàn, đồng bộ và thông suốt trong quá trình tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị của thành phố; hướng tới phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Tiếp theo, các đại biểu đã nghe các Phó Chủ tịch UBND thành phố trình bày tóm tắt lần lượt 3 nội dung trình hội nghị.
Tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển
Trình bày Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, tại Báo cáo số 65/BC-UBND ngày 1-3-2022, UBND thành phố đã đề xuất cụ thể 16 nội dung xem xét lập chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đến nay, trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại các hội nghị, hội thảo xin ý kiến do Bộ Tư pháp tổ chức và qua các đợt khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và kết cấu lại thành 9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể:
Chính sách 1 là “Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Chính sách 2 là “Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô”.
Chính sách 3 là “Nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô”.
Chính sách 4 là “Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô”.
Chính sách 5 là “Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chính sách 6 là “Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô”.
Chính sách 7 là “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Chính sách 8 là “Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững”.
Chính sách 9 là “Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, việc thống nhất ý kiến về các nội dung trên tại hội nghị sẽ giúp tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.
Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước của Thủ đô
Trình bày báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, như: Tần suất các cơn bão có xu thế tăng, mưa theo vùng trong thời gian ngắn, lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán theo quy hoạch, trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần.
Trong khi đó, tình hình phát triển đô thị những năm gần đây phát triển nhanh, nhưng hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/h sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập; với lượng mưa đến 100mm/h xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ tại các ngõ ngách, khu dân cư và cục bộ một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
Về giải pháp thoát nước mùa mưa 2022 và những năm tiếp theo, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp, trong đó, cùng với việc kiểm soát thường xuyên, giữ mực nước đệm trên hệ thống các hồ điều hòa thoát nước, thành phố sẽ bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối, bảo đảm vận hành 100% công suất; thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước, khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố.
Thành phố cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thủy lợi vận hành theo quy trình đối với các trạm bơm thoát nước đô thị và các trạm bơm tiêu nông nghiệp như: Yên Nghĩa, Khê Tang, Ngoại Độ, Vân Đình… bảo đảm thoát nước cho sông Nhuệ; kiểm tra ga thu nước mưa và thay đổi miệng thu nước để tăng khả năng thu nước vào hệ thống. Cùng với đó, thành phố cũng rà soát hệ thống hồ điều hòa trên địa bàn quản lý (bao gồm cả các hồ chưa kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị) để có giải pháp liên thông giữa các hồ điều hòa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội; xử lý tình trạng ngập úng khu vực đô thị phía Tây và Tây Nam thành phố thông qua việc rà soát lòng dẫn kênh La Khê, tổ chức nạo vét khơi thông vị trí còn hẹp và nâng cao khả năng tiêu thoát của kênh.
Phấn đấu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Trình bày Tờ trình tóm tắt về việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên tinh thần quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số xứng tầm với vị thế Thủ đô, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã giao UBND thành phố nghiên cứu đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Mục tiêu đề ra là đến năm 2025: Thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030: Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện nghị quyết. Theo đó, sẽ tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, gồm: Chuyển đổi nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển doanh nghiệp số; thanh toán số; phát triển nhân lực. Thành phố cũng sẽ phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số và phân công nhiệm vụ tới các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố để bảo đảm tổ chức thực hiện Nghị quyết hiệu quả.
“Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị của thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh”, Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố nêu rõ.
Ngay sau khi nghe các báo cáo, hội nghị đã tiến hành thảo luận tại 4 tổ.
Chiều nay, hội nghị tiếp tục làm việc.