Thể hiện rõ bằng được các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 18:13, 02/11/2022

(HNMO) - Chiều 2-11, phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm rõ 3 nội dung quan trọng được hội nghị cho ý kiến. Trong đó, lưu ý về việc xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy yêu cầu các nhóm chính sách, giải pháp đề xuất đưa vào sửa Luật Thủ đô phải thể hiện rõ và luật hóa cho bằng được các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô theo đúng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Phải thực sự khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành

Theo Bí thư Thành ủy, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình và thành công tốt đẹp.

Làm rõ thêm các nội dung được hội nghị thảo luận, cho ý kiến, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố bước đầu đồng tình với 9 nhóm chính sách lớn theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố. Đồng chí đề nghị, cần bám sát theo tiến độ do Đảng đoàn Quốc hội đã đề ra; đó là hoàn thành sửa đổi Luật Thủ đô trước ngày 31-12-2023.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý, về quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), cần nhấn mạnh thêm quan điểm, định hướng sửa Luật Thủ đô lần này, đó là các nhóm chính sách, giải pháp đưa vào sửa luật phải thực sự “khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Thủ đô hiện hành”; đồng thời, các nhóm chính sách, giải pháp đề xuất đưa vào sửa Luật Thủ đô phải thể hiện rõ và luật hóa cho bằng được các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô theo đúng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị; đó là định hướng Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển, không chỉ dừng lại ở liên kết trong vùng Thủ đô; định hướng xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực để phát triển mới cho Thủ đô…

Trên cơ sở hồ sơ đã được hoàn thiện, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương, trước khi Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo thẩm định trình Chính phủ. Đảng đoàn HĐND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cùng với Ban Cán sự đảng UBND thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm tiến độ đề ra.

Đầu tư công trình tiêu, thoát nước còn rất chậm

Đối với công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhận thấy, tình trạng úng ngập xảy ra thường xuyên trên địa bàn thành phố có nguyên nhân khách quan là do Hà Nội có quá trình đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư gia tăng nhanh chóng; biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, gây ra những đợt mưa lớn bất thường trái quy luật, lượng mưa hằng năm ngày càng có sự giao động lớn, khó dự báo.

Song, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là sự vào cuộc thiếu quyết liệt, chưa sâu sát của một số cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của thành phố; dẫn đến hệ thống thoát nước của thành phố vẫn chưa được hoàn chỉnh; việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn thiếu đồng bộ. Quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn 2009-2013, nhưng việc đầu tư các công trình tiêu, thoát nước đô thị và nông thôn của thành phố theo quy hoạch còn rất chậm. Bên cạnh đó, sông Nhuệ và một số con sông khác trên địa bàn thành phố chưa được cải tạo, nạo vét, kè sông và việc lấp hồ ao để xây dựng các dự án cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng úng ngập thời gian qua.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, theo Bí thư Thành ủy, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động theo báo cáo chỉ chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu nước thải được xử lý trên địa bàn thành phố đến năm 2020 (60%) theo quy định tại Quyết định số 1659 ngày 7-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án chưa được đầu tư theo quy hoạch hoặc đã được đầu tư nhưng tiến độ rất chậm và thiếu đồng bộ.

Theo Bí thư Thành ủy, tán thành với báo cáo công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố khẩn trương thực hiện 4 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, phải rà soát, đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch thủy lợi đối với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là khu vực các huyện được định hướng sẽ phát triển thành quận và thành phố trực thuộc Thủ đô. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi, quy hoạch thoát nước đô thị và nông thôn của thành phố Hà Nội, bảo đảm phù hợp, đồng bộ và hiệu quả.

Đồng thời, khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch và các dự án công viên cây xanh có hồ điều hòa, đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố; nghiên cứu việc nạo vét các hồ nước trên địa bàn, để tăng khả năng chứa nước, phục vụ việc thoát nước đô thị; đặc biệt là tại địa bàn các quận, huyện có nhiều khu đô thị mới và các khu vực có mật độ dân cư cao như các quận: Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân...

Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành liên quan của thành phố khẩn trương tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến tuyến kênh La Khê theo quy định hiện hành, sớm triển khai phần còn lại của dự án, bảo đảm trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được vận hành 100% công suất, phát huy hiệu quả trong tiêu thoát úng ngập cho lưu vực của dự án.

Đối với khu vực nông thôn, cần sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước; làm “sống lại” sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy để tăng khả năng lưu thoát nước trong mùa mưa và khi xảy ra lũ lụt; đặc biệt là tại khu vực các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức...

“Quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp...; đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa để tăng khả năng tiêu thoát nước đô thị khi xảy ra mưa lớn”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Đổi mới tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hiện đại

Về dự thảo nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tán thành với nội dung dự thảo nghị quyết. Dự thảo nghị quyết đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng bộ thành phố Hà Nội về xây dựng, phát triển Thủ đô; về tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ trương, định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số và thực tiễn yêu cầu của thành phố.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của nghị quyết, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia, đóng góp xác đáng của các đại biểu tại hội nghị; hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành theo Quy chế làm việc của Thành ủy.

Sau khi nghị quyết được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của thành phố nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ các cơ quan, tổ chức, địa phương và toàn thể cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị của thành phố nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch chuyển đổi số, gắn với chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình; đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các hiệp hội, ngành nghề thành phố phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số; xây dựng thành phố thông minh.

Hà Vũ