Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 05/11/2022
Cùng với làn sóng tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã phải đẩy lãi suất cho vay để bảo đảm chi phí và lợi nhuận kinh doanh. Hiện mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 1-2%/năm so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng cho vay trong khoảng 8-10%/năm tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn. Đáng chú ý, với nhóm khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ tại phần lớn ngân hàng đã tăng ít nhất 2-3% so với đầu năm nay.
Thông thường, ngân hàng ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới trong 3 tháng đến một năm đầu tiên, trước khi áp dụng mức lãi suất thả nổi. Hiện lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân đã tăng từ mức 9-9,5%/năm lên mức tối thiểu 11,5-13%/năm tại ngân hàng tư nhân và khoảng 11,5-12%/năm tại khối ngân hàng vốn nhà nước. Tuy nhiên, gói lãi suất ưu đãi 2% cùng với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên tiếp tục được hưởng mức lãi suất khá tốt, quanh ngưỡng 6-7%/năm.
Thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ngành Ngân hàng đã có những giải pháp thiết thực. Theo đó, một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất thấp với doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, đặc biệt, ngành đang tích cực giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.
Ví như, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã triển khai đồng thời nhiều chương trình, sản phẩm dịch vụ với nhiều ưu đãi, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2022. Trong đó, HDBank cung cấp tín dụng, sản phẩm dịch vụ phù hợp với mọi đối tượng khách hàng như gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, sản phẩm tiền gửi với lãi suất cạnh tranh trên thị trường, tài khoản thanh toán trực tuyến miễn phí chuyển tiền không giới hạn... Bên cạnh đó, HDBank cũng thường xuyên triển khai các ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp như: Ưu đãi ngoại tệ; vay online ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,49%/năm; gói chi lương 100% số hóa với nhiều ưu đãi hấp dẫn với doanh nghiệp và người lao động…
Những ngân hàng thương mại cổ phần khác như Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Đông Nam Á (SeABank), Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… cũng đồng thời triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho vay đối với doanh nghiệp, cùng mức lãi suất không có nhiều thay đổi so với trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành.
Cùng với việc triển khai nhiều chương trình ưu đãi, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất 2%. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) Nguyễn Hữu Trung thông tin, ngay sau khi chính sách được ban hành, Vietbank đã thông báo tới từng chi nhánh về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng cũng chủ động rà soát và tìm kiếm các khách hàng đủ điều kiện được hỗ trợ, đẩy mạnh việc hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ. Không chỉ chủ động rà soát trong hệ thống khách hàng hiện tại, Ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu để giúp họ phục hồi kinh doanh, tạo đà bứt phá ở giai đoạn thích ứng an toàn sau dịch Covid-19.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng gắn tăng trưởng với thực hiện các chương trình tín dụng quốc gia để hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Một số ngân hàng đang cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vay với lãi suất từ 3,5% đến 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND và tiếp tục cam kết giữ ổn định mức lãi suất này.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, đồng thời có nhiều chương trình hỗ trợ, đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả quản trị và áp dụng tối đa công nghệ nhằm tiết giảm chi phí hoạt động để có thể giữ ổn định lãi vay.