Kiến nghị Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin ''nơi sinh'' trên hộ chiếu
Đời sống - Ngày đăng : 10:32, 07/11/2022
Trình bày tờ trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc triển khai thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã góp phần bảo đảm và tăng cường hiệu quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; tuy nhiên, việc thực hiện cấp hộ chiếu mẫu mới theo quy định của luật đã phát sinh vấn đề vướng mắc liên quan đến thông tin “nơi sinh” của người được cấp hộ chiếu, Chính phủ nghiên cứu và thấy cần điều chỉnh, bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu.
Từ ngày 1-7-2022, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân. Trước khi phát hành chính thức mẫu hộ chiếu mới, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo mẫu hộ chiếu mới đến cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam, sau 1 tháng thông báo theo quy định, không có quốc gia nào có ý kiến. Tuy nhiên, đến ngày 27-7-2022, Đức và sau đó một số nước thông báo tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin “nơi sinh” của người mang hộ chiếu.
Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện in bị chú bổ sung thông tin về “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân. Phía nước ngoài chấp thuận việc in bổ sung thông tin vào hộ chiếu cho công dân, tuy nhiên, các nước cho biết, việc chấp nhận này chỉ là tạm thời, đề nghị ta sớm bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân, đặc biệt, phía Cộng hòa Séc thông báo chỉ chấp nhận hộ chiếu Việt Nam có in bị chú thông tin “nơi sinh” đến hết năm 2022. Trước tình hình trên, Chính phủ nhận thấy việc nghiên cứu bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân trong hộ chiếu là cần thiết và cần sớm thực hiện (trước ngày 1-1-2023).
Việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân trên hộ chiếu sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu, nhất là Cộng hòa Séc và các nước trong khối Schengen. Về lâu dài, tránh trường hợp phải tiếp tục giải quyết vấn đề này nếu các nước khác phát sinh yêu cầu tương tự.
Việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân của hộ chiếu không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí do hiện nay, trong mẫu tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, giấy thông hành hiện hành đã có mục thông tin về “nơi sinh”, đây là thông tin bắt buộc công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; cơ quan cấp phát hộ chiếu có thể khai thác thông tin về nơi sinh của công dân có trong cơ sở dữ liệu để in hộ chiếu.
“Việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân của hộ chiếu là cần thiết, tạo thuận lợi cho công dân ta trong việc nhập cảnh vào các nước, tuy nhiên, do thời gian gấp không kịp sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hoặc ban hành Nghị quyết riêng về vấn đề này, vì vậy, Chính phủ xin kiến nghị Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, giao Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để bổ sung thông tin “nơi sinh” vào mẫu hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội; do yêu cầu về thời gian thực hiện việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân hộ chiếu trước ngày 1-1-2023, nên không bảo đảm thời gian để thực hiện quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hoặc ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này.
“Do đó, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất Quốc hội “đưa nội dung trên vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV”, ông Lê Tấn tới nói và cho rằng, việc bổ sung như vậy là bảo đảm về hình thức văn bản thể hiện quyết định của Quốc hội.
Căn cứ nội dung thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề nghị Chính phủ về lâu dài cần nghiên cứu theo hướng mở rộng bổ sung “nơi sinh” vào giấy tờ xuất, nhập cảnh nói chung để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam.