Phát huy vai trò của người cao tuổi Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 08/11/2022
Nắm rõ tình hình của địa phương, thời gian qua, Hội Người cao tuổi phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, nòng cốt là công an vận động người dân lắp đặt 30 camera giám sát tại các điểm phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn bằng nguồn tiền xã hội hóa; lắp đặt 121 bảng tuyên truyền việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, phòng ngừa trộm cắp tài sản tại các khu dân cư, hộ kinh doanh. Nhiều người cao tuổi còn làm bảo vệ tổ dân phố, hằng ngày tham gia tuần tra kiểm soát địa bàn vào các khung giờ từ 19h30 đến 23h, từ 23h hôm trước đến 5h hôm sau.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phú Diễn Vũ Hùng Thắng cho biết: "Qua tuần tra, kiểm soát, thời gian qua, chúng tôi đã tham gia bắt giữ 5 vụ trộm cắp tài sản với 6 đối tượng tại các khu nhà trọ trên địa bàn".
Tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, người cao tuổi xã Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên) cũng thành lập tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự với 9 thành viên; vận động thành lập 10 dòng họ tự quản. Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Văn Hoàng Nguyễn Văn Chắm chia sẻ: “Tổ tự quản đã cung cấp nhiều nguồn tin cho công an xã, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Các dòng họ tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp gây mất đoàn kết”.
Trong khi đó, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) có 23 người cao tuổi tình nguyện tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Thời gian qua, lực lượng này đã cung cấp cho công an cơ sở các nguồn tin về tệ nạn xã hội, qua đó lực lượng chức năng kịp thời xử lý 5 vụ việc; tham gia với các ngành chức năng của xã hòa giải 18 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 16 vụ.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, Công an thành phố và Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội đã chú trọng xây dựng các mô hình, chuyên đề phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn dân cư; gắn kế hoạch phòng, chống tội phạm của ngành Công an với phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” của Hội Người cao tuổi thành phố và các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hội Người cao tuổi các cấp thành phố đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phối hợp có hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền trong việc tuyên truyền, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, “Người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường”.
Toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.000 tình nguyện viên là người cao tuổi tham gia Đội hoạt động xã hội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn. Ở nhiều thôn, xóm còn thành lập các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, tổ tự quản, tổ nắm tin để giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp còn phối hợp với công an cùng cấp và các tổ chức đoàn thể xây dựng, duy trì hoạt động 2.744 lượt mô hình tự quản về an ninh trật tự. Ngoài ra, hiện có 17.496 thôn, tổ dân phố duy trì mô hình tự quản về an ninh trật tự, trong đó có 2.744 lượt mô hình với 271.840 lượt người cao tuổi tham gia.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã cung cấp cho lực lượng công an gần 24.000 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự; tham gia vận động 2.780 người đi cai nghiện ma túy; giới thiệu và tạo việc làm cho hơn 5.300 người, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho 1.943 người. Phối hợp giải quyết có hiệu quả hàng nghìn vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, thời gian tới, Hội Người cao tuổi các cấp thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò và uy tín để thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tập trung rà soát, củng cố, nhân rộng các mô hình, chuyên đề, những điển hình tiên tiến đang hoạt động hiệu quả...