Đưa công tác giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu
Đời sống - Ngày đăng : 14:54, 09/11/2022
Chọn trúng vấn đề nhân dân quan tâm
Gắn bó với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhiều năm, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú thông tin, 10 năm qua, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống, việc triển khai thực hiện được Hà Nội cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, ngành, địa phương; bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở.
Là cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp thường xuyên có tương tác hai chiều với các đơn vị, địa phương tại cơ sở để nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải pháp xử lý. Đồng thời, lựa chọn những vấn đề nóng, thời sự người dân trên địa bàn quan tâm, tìm ra cách thức tuyên truyền cho phù hợp, nhằm thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và nhân dân tích cực hưởng ứng, như thông qua thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức thi viết trên giấy, thi viết trên mạng, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến...
“Đặc biệt mô hình “Cầu thang pháp luật” là hình thức mới rất hiệu quả và thiết thực, được nhiều địa phương, người dân đánh giá cao trong việc tuyên truyền. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế pháp lý trong việc xã hội hóa thực hiện đối với hình thức này nên trong thực tế còn gặp khó khăn, vướng mắc”, bà Vũ Thị Thanh Tú nói.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà thông tin, trong thời gian đại dịch Covid-19, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã linh hoạt chuyển sang tuyên truyền qua Zoom hoặc Google meeting. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào cơ sở vật chất của cơ sở để đưa ra phương án tuyên truyền. Nếu người được tuyên truyền là học sinh thì sẽ qua Zoom hoặc Google meeting, bởi học sinh đã được học qua Zoom nên tuyên truyền qua nền tảng này rất tốt. Một ngày, có thể thực hiện tuyên truyền đến 2.000-4.000 học sinh.
Để tăng tính tương tác, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã thay đổi mô hình, làm việc với nhà trường, phối hợp cùng cô giáo cho điểm học sinh ở môn giáo dục công dân thì các em sẽ tự nghĩ, trao đổi và tập trung nghe hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, sau khi dịch Covid đã lắng xuống, từ tháng 4-2022, mỗi tuần Đoàn Luật sư thành phố đi 3 trường và mỗi trường khoảng 2.000 học sinh. Đến nay, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã đến khoảng 30 trường, mỗi trường khoảng 1.500 người được tiếp cận pháp luật. “Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật luôn đẩy mạnh và năm sau cao hơn năm trước. Đây là hoạt động tự nguyện của chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.
Ở cơ sở, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì thông tin, với đặc thù của huyện có các đối tượng là người dân miền núi, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền pháp luật liên quan trực tiếp đến những vấn đề người dân cần như nông nghiệp nông thôn, chính sách đoàn kết dân tộc và xây dựng nông thôn như: Chương trình 134, Chương trình 135 của Chính phủ; Quyết định số 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thu hút đông đảo bà con tham gia.
Cần những dấu ấn mới
Để Hà Nội có thêm nhiều dấu ấn về công tác tuyên truyền trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đổi mới theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao trình độ nhận thức cho các đối tượng, giúp họ có khả năng vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.
“Hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần được đa dạng hóa, sử dụng nhiều cách thức gần gũi với người dân hơn như giới thiệu tại các buổi tọa đàm, các buổi nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền qua các mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Zalo; xây dựng các hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát... lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các buổi sinh hoạt cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Thanh Tú nêu quan điểm, các ngành, tổ chức, địa phương phải thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Còn như hiện nay, tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện và cấp xã còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu quản lý, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện chưa có sự phân công rõ trách nhiệm, phụ trách, theo dõi các đơn vị, địa bàn dẫn đến hiệu quả hoạt động của hội đồng cấp huyện trong thời gian qua còn hạn chế.
Ở góc nhìn khác, bà Đặng Thị Tâm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phổ biến pháp luật phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, loa truyền thanh cơ sở, phát hành tờ gấp. Đây là tiền đề giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, thuận tiện hơn.
Nhấn mạnh việc đưa pháp luật vào cuộc sống rất quan trọng, trong đó vai trò quyết định là tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội khẳng định, các ý kiến nêu trên sẽ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổng hợp, tiếp thu. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật và đặc biệt là Luật Phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác lập pháp, giám sát tối cao; đẩy mạnh công tác phối hợp của các cấp chính quyền, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đưa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao.