Thành phố Hồ Chí Minh: Vượt thách thức để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 11/11/2022

(HNM) - Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong 10 tháng năm 2022 tăng trưởng khả quan, nhưng trong ngắn hạn, thành phố vẫn đối mặt nhiều thách thức. Để đưa “quỹ đạo” kinh tế đi đúng hướng và phát triển nhanh, bền vững, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh).

Còn nhiều thách thức

Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu hụt đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Đơn cử, Công ty cổ phần Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu Bình Thạnh (quận Bình Thạnh) chuyên sản xuất ba lô, túi xách xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã bị giảm gần 40% đơn hàng. Bà Nguyễn Thị Phượng Mai (đại diện công ty) cho biết, hiện ưu tiên hàng đầu của công ty là bằng mọi cách giữ đơn hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Còn theo Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng, từ nay đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, dự báo thị trường xuất khẩu ngành dệt may thêu đan vẫn còn khó khăn, trong đó Hoa Kỳ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tại thành phố Thủ Đức, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức ghi nhận có trên 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ bị sụt giảm đơn hàng. Còn theo Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, có 51 doanh nghiệp đang hoạt động tại 17 khu chế xuất và khu công nghiệp báo cáo giảm đơn hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh xuất khẩu gặp khó khăn, thu hút đầu tư nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cũng không mấy khả quan. Tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 10-2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho hay, hiện thành phố có gần 150 dự án có thể kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế chưa có dự án nào để nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng ký cam kết, nghiên cứu triển khai thực hiện.

Theo ông Võ Văn Hoan, vướng mắc hiện nay chính là công tác quy hoạch, tiêu chí đầu tư chưa rõ ràng, còn lấn cấn giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân. “Cần phân biệt danh mục các dự án đầu tư, phân loại dự án đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đối với dự án đầu tư tư nhân, thực hiện theo hướng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất theo quy hoạch, sẽ rút ngắn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”, ông Võ Văn Hoan cho hay.

Tạo bước phát triển dài hạn

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch (chuyên gia kinh tế), kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh hiện đang chịu ảnh hưởng khá rõ bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Khó khăn này diễn ra ít nhất trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư cũng khiến dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài có nguy cơ sụt giảm trong thời gian tới. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, nếu vượt qua được những thách thức ngắn hạn, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển ổn định trong trung và dài hạn.

"Muốn vượt qua thách thức, thành phố cần chọn chủ đề trọng tâm để tập trung nguồn lực đầu tư; vận dụng, thực thi có hiệu quả nhất chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ vào thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ dòng vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án hạ tầng đô thị; tạo bước chuyển biến mang tính đột phá chương trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức gắn với khai thác tiềm lực khoa học và công nghệ", Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

Trong bức tranh còn nhiều thách thức, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nhiều điểm sáng trong năm 2022. Trong 10 tháng năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng trưởng 9,97%. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, cả năm 2022, ước GRDP thành phố tăng trưởng khoảng 9,4%, cao hơn chỉ tiêu đề ra (tăng từ 6 đến 6,5%). Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước của thành phố cũng có điểm sáng khi ước cả năm 2022, thành phố thu đạt 426.000 tỷ đồng, tăng gần 40.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra (386.568 tỷ đồng).

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, bên cạnh những điểm sáng, nhiệm vụ phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian tới còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng là tập trung tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để khai thông nguồn lực đầu tư, phát triển. UBND thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh trung hạn đầu tư công, phân bổ nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; đẩy nhanh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội; hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài; quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính.

TRỌNG NGÔN