Tận dụng UKVFTA để nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 16:43, 11/11/2022
Đánh giá kết quả sau hơn một năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, hiệp định đã tác động rõ nét tới thương mại, đầu tư giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh trong năm đầu tiên thực thi UKVFTA (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị phức tạp trên thế giới, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của năm 2021. Đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đạt tăng trưởng cao xuất khẩu sang Anh, trong đó, cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… đều tăng trưởng gần 100%.
Tính đến tháng 5-2022, Anh có tổng cộng 462 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 0,97% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các diễn giả tham gia tọa đàm có chung nhận định, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh còn rất lớn, hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu hơn 600 tỷ USD/năm của thị trường này. Cùng với ưu đãi về thuế được cắt giảm theo UKVFTA, thuận lợi còn là nước Anh đã thúc đẩy các quan hệ thương mại để đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt hướng đến các thị trường có FTA.
Để tận dụng cơ hội từ UKVFTA các diễn giả cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện nội lực trên nhiều mặt. Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt lên tư duy và việc kinh doanh theo lối an toàn, tập trung nhiều vào thị trường truyền thống, một số doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao…
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin từ các hiệp định, bảo đảm chất lượng hàng hóa với giá cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, đồng thời, cần lưu ý bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường Anh… Bên cạnh đó, bộ, ngành cần cung cấp thông tin nhiều hơn về thị trường Anh, đặc biệt là các xu hướng mới, các yêu cầu mới để tiếp cận thị trường Anh.
Về phía Bộ Công Thương, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên cho biết, đến nay, Bộ đã đúc kết những kinh nghiệm để cùng với các đơn vị, bộ, ngành, cơ quan liên quan định hướng các hoạt động thực thi tuyên truyền hiệp định thương mại này sát hơn, trúng nhu cầu của doanh nghiệp hơn, đạt hiệu quả cao hơn. “Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng đề án đánh giá kết quả thực thi FTA tại các địa phương để xếp hạng 63 tỉnh, thành về kết quả thực thi FTA. Việc này sẽ giúp các chính quyền địa phương thay đổi tư duy, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp để tận dụng tốt các FTA”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.