Bảo đảm cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 17:58, 11/11/2022
Phải thay đổi cơ chế Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, điểm c, khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật có quy định nội dung khủng hoảng kinh tế, thiên tai, bị hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và tạo điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn thi hành luật về hành vi bị nghiêm cấm trong việc lợi dụng chính sách của Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá rất khó vì tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân; quan hệ kinh tế và cung cầu của thị trường. Do đó, cần phải có đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều để giải quyết thấu đáo các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn luôn diễn biến phức tạp, khó lường...
Về vấn đề cụ thể, đối với chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra rằng, Ban soạn thảo chưa làm rõ được căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, chưa có dự thảo danh mục đi kèm để cung cấp kịp thời tới đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị bổ sung dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để đại biểu Quốc hội có căn cứ, cơ sở để biểu quyết thông qua luật.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cũng cho ý kiến về thẩm định giá phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Đại biểu đặt vấn đề, từ đầu tháng 10-2022 đến nay, tình trạng đứt gãy nguồn cung, khan hiếm xăng dầu xảy ra trên diện rộng nhưng không rõ vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu ở đâu, liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không?
“Nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường”, đại biểu đề xuất.
Đánh giá tổng thể về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng
Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn Sóc Trăng) cho biết, về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng hiện đang có hai văn bản luật khác nhau điều chỉnh là Luật Giá và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nội dung quy định cũng không giống nhau. Để bảo đảm tính thống nhất khi hai luật được thông qua, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể về mối quan hệ, quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong hai dự thảo luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) lo ngại, để các bộ, cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc liệu có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp bộ kit test Việt Á? Bởi nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật. Những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo luật này là rất lớn, Quốc hội cân nhắc thận trọng.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở trung ương.
Đối với sách giáo khoa, dự thảo Luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị quy định khung giá bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc là xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc là khi bán tài sản công. Các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công. Nhiều cơ quan, đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có quy định cụ thể những căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định là căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá...
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo Luật Giá cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.
Phát biểu giải trình, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.
Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với cơ quan liên quan trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, có 19 đại biểu phát biểu. Qua thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá, đảm bảo khả thi, cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Giá.