Tháng hành động vì bình đẳng giới: Tăng quyền năng, tạo cơ hội

Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 16/11/2022

(HNM) - Hiện các cấp, ngành, địa phương đã sớm chủ động vào cuộc triển khai có hiệu quả Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ ngày 15-11 đến ngày 15-12). Với nhiều thông điệp ý nghĩa và các giải pháp hỗ trợ thực chất được tập trung thực hiện, Tháng hành động sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Tặng quà những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 của thành phố Hà Nội, ngày 14-11.

Lan tỏa những thông điệp mạnh mẽ

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua 6 năm (2016-2021) triển khai Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hằng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động...

Tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào ngày 12-11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, hàng loạt thông điệp mạnh mẽ đã và đang được tập trung lan tỏa trong Tháng hành động năm nay, là: “Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”; “Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em”; “Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em”; “Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại”…

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Tháng hành động chính là điểm nhấn, tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, Tháng hành động còn là dịp tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em.

Diễu hành nhằm lan tỏa các thông điệp trong lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 12-11.

Cùng hành động bằng những việc làm thiết thực

Thực tế cho thấy, khi được trao cơ hội, nhiều phụ nữ bằng nghị lực của mình đã vượt lên khó khăn, nghịch cảnh và thay đổi cuộc sống, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn. Đơn cử như trường hợp của chị Trần Thị Lương (xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội) một mình nuôi mẹ già và hai con nhỏ sau khi chồng bị tai nạn lao động qua đời. Nhờ được địa phương hỗ trợ học nghề may và tặng chiếc máy khâu, giờ đây chị đã có thu nhập ổn định. Hay như nguyện vọng rất giản dị của chị Hoàng Thị Thanh (đường Phùng Khắc Khoan, thị xã Sơn Tây, Hà Nội): “Chúng tôi có hai con, một cháu học lớp 12, một cháu học lớp 7. Mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi lúc này là được hỗ trợ để có việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, sớm thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo”.

Tiếp nhận những tiếng nói như vậy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, thị xã sẽ tập trung công tác kiểm tra, phát hiện các khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện bình đẳng giới; đồng thời, bố trí và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong Tháng hành động; tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “Làng quê an toàn”, “Tổ dân phố an toàn”; đồng thời, huy động các nguồn lực để triển khai, thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ...

Là địa phương luôn đi đầu trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, thực hiện kịp thời, đúng, đủ, bảo đảm các quy định, trong đó đặc biệt quan tâm tới đối tượng phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong khuôn khổ lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thành phố Hà Nội năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, ngoài các chính sách chung, thành phố còn triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề, đặc thù liên quan đến bình đẳng giới. Thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quy định của trung ương và thành phố về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em gái, tạo sức lan tỏa, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương và thành phố. Không những vậy, thành phố còn hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em khi phát hiện được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng.

Mai Hoa