Không buông lỏng quản lý trật tự vỉa hè về đêm
Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 17/11/2022
Vỉa hè, sân chơi là để... bán hàng?
Trong đêm 12 và 13-11, phóng viên Báo Hànộimới đã mục sở thị cảnh người bán hàng bày bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, sử dụng lòng đường để đỗ ô tô, xe máy trên nhiều tuyến phố. Nhiều nơi hình thành bãi trông xe không phép. Những vi phạm này khiến Hà Nội về đêm rất lộn xộn.
Từ 19h30 hằng ngày, vỉa hè trước cửa hàng Phở gà đặc biệt ở số 292 phố Đội Cấn (quận Ba Đình) đã bị sử dụng triệt để vào việc trông giữ phương tiện cho thực khách. Còn sân chơi Khu tập thể nhà D3 Giảng Võ (quận Ba Đình) cũng bị một số người chiếm trọn không gian công cộng để bán hàng thâu đêm, đặc biệt là quán lẩu Quyền. Anh Lê Tuấn Hùng, người dân ở nhà D3 Giảng Võ tỏ rõ sự bức bối, bởi trẻ nhỏ không còn chỗ chơi, người cao tuổi hết chỗ để hóng gió, đi bộ. Một không gian thuộc về cộng đồng đã hoàn toàn bị một số cá nhân chiếm làm của riêng.
Tương tự, tại khu vực quận Nam Từ Liêm, vỉa hè cũng bị chủ những quán cà phê, hàng ăn đêm ở phố Nguyễn Hoàng lấn chiếm. Dải phân cách ở phố Trần Bình bị biến thành nơi để xe máy của khách; dọc vỉa hè đường Đỗ Đức Dục, đoạn rẽ vào phố Nguyễn Văn Giáp ngập tràn hàng ăn như cá nướng, hàu nướng, hải sản...
Còn dọc phố Lĩnh Nam, Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai), vi phạm chiếm lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán cũng không quá xa lạ với người dân khu vực.
Ở một dạng vi phạm khác, toàn bộ vỉa hè, lòng đường trước cửa các số nhà 11, 13, 15, 17 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) khi đêm về cũng bị biến thành bãi trông, giữ xe. Nơi đây luôn có một số thanh niên tự xưng là người trông xe, thu mỗi khách 50.000-100.000 đồng/ô tô; 20.000 đồng/xe máy.
Những bãi xe tự phát ở vỉa hè, lòng đường tại ngã năm Trần Nhật Duật, vỉa hè phố Hàng Bài, Hàng Dầu... những đêm cuối tuần mọc lên như nấm, giá trông giữ xe dao động 20.000-30.000 đồng/xe máy; 50.000-100.000 đồng/ô tô. Anh Lê Đăng Quang, phố Kim Mã (quận Ba Đình) kể: "Tối 13-11, đang hí hửng vì tìm được chỗ trống để đỗ ô tô ở phố Hàng Bài, thì bỗng xuất hiện một thanh niên đến thu 100.000 đồng. Tôi yêu cầu vé xe nhưng chỉ nhận được lời dọa nạt, nếu không gửi thì rời khỏi vị trí ngay".
Cần xử lý quyết liệt, thực chất
Vi phạm trật tự đô thị ngày càng trở nên trắng trợn trên nhiều tuyến phố khi đêm về, nhưng khi hỏi về công tác xử lý vi phạm, hầu hết lãnh đạo địa phương đều kêu khó. Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Chiến khẳng định, phường đã xử phạt rất nhiều trường hợp, tuy nhiên, khi lực lượng đi khỏi, vi phạm lại tái diễn. Giải pháp duy nhất hiện nay là tăng cường lực lượng kiểm tra và tuyên truyền người dân, chủ hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định.
Còn theo số liệu của UBND quận Hoàng Mai, từ đầu năm đến nay, 14 phường trên địa bàn quận đã tiến hành hơn 200 đợt ra quân duy trì trật tự đô thị, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, trong đó, xử lý, giải tỏa 36 điểm trông giữ phương tiện không phép. 9 tháng đầu năm nay, Đội Thanh tra Giao thông - Vận tải quận cũng lập biên bản vi phạm gần 1.000 trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, phạt tiền hơn 2,7 tỷ đồng...
Hạn chế các vi phạm trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND để triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định...
Sau khi thành phố có chỉ đạo, nhiều quận, huyện đã dựng rào chắn vỉa hè trên các tuyến phố để giành lại không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên biện pháp này gần như chưa phát huy tác dụng. Những chiến dịch ra quân dừng lại không lâu thì việc tái lấn chiếm lại diễn ra nghiêm trọng hơn.
Hạn chế tình trạng vi phạm, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp Nguyễn Đình Quyền (Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, đơn vị đã có kế hoạch định kỳ kiểm tra, xử lý trật tự vi phạm trông giữ xe trên phố. Thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng để triển khai các tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị về đêm.
Thực tế cho thấy, vi phạm dạng trên không phải mới. Nếu không có sự vào cuộc liên tục, quyết liệt, thực chất của cơ quan chức năng và các địa phương; không quy rõ trách nhiệm của người thi hành nhiệm vụ, người chịu trách nhiệm quản lý địa bàn, thì vi phạm rất khó xử lý tận gốc.