Hà Nội: Tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 982 cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Đời sống - Ngày đăng : 07:59, 17/11/2022

(HNMO) - Ngày 17-11, Công an thành phố Hà Nội thông tin, sau một tháng (tính từ ngày 15-10 đến ngày 12-11) triển khai thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo chỉ đạo của Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn Thủ đô là 132.178 cơ sở (tăng 3.568 cơ sở so với thời điểm ngày 15-10).

Các cơ sở trên thuộc các phụ lục I, II, III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; cơ sở trong khu dân cư và được phân cấp quản lý theo quy định.

Hội nghị đánh giá một tháng thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, tính từ ngày 15-10 đến ngày 12-11, Công an thành phố đã kiểm tra 65.887 cơ sở (đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt). Qua kiểm tra, phát hiện, ban hành 3.522 quyết định xử phạt, với 4.431 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là gần 28,83 tỷ đồng. Đồng thời, tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị; tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở, đình chỉ hoạt động 339 cơ sở...

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến kết thúc cao điểm kiểm tra (ngày 15-12-2022), lực lượng công an tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, các đơn vị thực hiện triển khai “cuốn chiếu”, rà soát đến đâu, kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả đến đó. Khi phát hiện cơ sở mới phải lập danh sách, bổ sung ngay chỉ tiêu vào tuần kế tiếp để triển khai thực hiện; xử lý nghiêm đối với 100% hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trong đợt tổng rà soát, kiểm tra để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, đồng thời chấp hành nghiêm chế độ thông tin báo cáo và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công an thành phố về tiến độ, tính chính xác của các số liệu cung cấp.

Trước đó, UBND thành phố đã yêu cầu lãnh đạo UBND cấp huyện phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện chỉ tiêu hằng ngày của UBND cấp xã. Hằng tuần, tổ chức giao ban với chủ tịch UBND cấp xã để đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu theo tuần, từ đó kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, kiểm điểm việc thực hiện.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với chủ tịch UBND cấp xã chậm triển khai, không tổ chức kiểm tra hoặc không có biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quản lý.

Kết thúc đợt tổng kiểm tra, chủ tịch UBND cấp huyện phải cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về số lượng, danh sách cơ sở, khu dân cư trên địa bàn quản lý; công an cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã phải ký cam kết về số lượng, danh sách cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Chu Dũng