Thành phố Hồ Chí Minh: Hỗ trợ đối tượng chính sách thoát nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 18/11/2022

(HNM) - Qua 20 năm (2002-2022) thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đồng hành, trợ giúp nhiều đối tượng chính sách. Kết quả, nguồn vốn lãi suất ưu đãi này đã giúp nhiều người thoát nghèo, khi góp phần cải thiện đời sống để vượt khó vươn lên.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hồ Chí Minh, một số hộ dân ở huyện Bình Chánh đầu tư mô hình trồng dừa cạn, hoa nền hiệu quả kinh tế cao.

Giúp gần 276 ngàn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hồ Chí Minh, qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đến nay đã có gần 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 21.486 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 13.905 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã góp phần giúp gần 276.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 321.700 lao động; 117.700 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67.200 lượt người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Nguồn vốn tín dụng quan trọng này đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố từ 3% năm 2002 giảm còn 0,77% vào cuối năm 2021.

Từ công tác hỗ trợ vốn tín dụng chính sách đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả và được nhân rộng, góp phần tích cực kéo giảm tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng "đen”… Đơn cử, năm 2013, gia đình ông Lương Tiểu Viễn (phường 3, quận 6) là hộ nghèo, đời sống bấp bênh do không có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ có sự hướng dẫn và bảo lãnh của Hội Cựu chiến binh phường, gia đình ông Viễn được Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho vay số tiền là 50 triệu đồng để mở tiệm tạp hóa. "Với sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình và nguồn vốn vay ưu đãi, đến năm 2020, gia đình tôi đã không còn là hộ nghèo và đã trả được hết khoản vay", ông Viễn phấn khởi nói.

Tại quận 12, gia đình ông Võ Trường vốn là hộ nghèo, được sự bảo lãnh của Hội Phụ nữ phường Tân Thới Hiệp, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách xã hội quận 12 cho vay 50 triệu đồng để mở tiệm tạp hóa. "Qua một năm hoạt động, cửa hàng gia đình tôi bước đầu có lãi. Rất cảm ơn ngân hàng và chính quyền đã trợ giúp khoản vay ưu đãi này cho gia đình tôi", ông Trường chia sẻ.

Là một trong các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt chính sách an sinh này, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho hay, nhiều năm qua, quận đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động quận cũng thường xuyên kết nối doanh nghiệp và người lao động, tạo cơ hội tìm việc làm cho người dân có công việc, thu nhập ổn định để không vướng vào đối tượng cho vay lãi nặng, tổ chức “tín dụng đen”.

Tiếp tục phát huy thành quả

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên cho biết, từ nay đến năm 2030, Ngân hàng Chính sách xã hội phấn đấu 100% đối tượng chính sách theo quy định của Trung ương có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp theo kế hoạch hằng năm… "Chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch cấp xã, tạo điều kiện tối đa để người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ", ông Trần Văn Tiên cho biết.

Từ góc độ cơ quan quản lý cấp trên, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, cần tập trung huy động nguồn lực, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ trung ương; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhận định, đây có thể được xem là điểm sáng và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của cả nước nói chung và của thành phố nói riêng. Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của thành phố Hồ Chí Minh đã, đang đồng hành giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội... trên địa bàn thành phố.

Thanh Tàu