Đề xuất nhiều giải pháp phòng ngừa xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em
Đời sống - Ngày đăng : 12:56, 18/11/2022
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã nêu lên những con số thống kê đáng lưu ý. Về tình trạng xâm hại trẻ em, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có đến 59,9% thủ phạm là người quen, hàng xóm; 21,3% là từ người thân trong gia đình; 6,2% từ giáo viên, nhân viên nhà trường… Đặc biệt, vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với nạn nhân là trẻ em nam.
Bên cạnh đó, đang tồn tại một điều đáng lo, đó là trẻ em biết rõ thủ phạm xâm hại mình là ai, nhưng vì nhiều lý do, trẻ thường giữ im lặng về việc bị xâm hại.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị phải dạy trẻ cách nói chuyện với bố mẹ, người thân khi bị xâm hại, đồng thời, tăng cường trang bị kiến thức, phổ biến thông tin về tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, dạy trẻ tránh xa người lạ mặt, không cho người lạ vào nhà, không nhận quà của người lạ, khuyến khích con nói “Không” với những người khiến mình sợ hãi…
Đồng thời, đặc biệt lưu ý công tác chăm sóc trẻ bị hại, giảm thiểu tổn thương về sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ, sức khỏe sinh sản, sợ hãi, hoang mang và lo lắng, trong đó hậu quả lớn nhất là trẻ có thể rối loạn tâm thần rất khó hòa nhập trở lại với xã hội, luôn cảm thấy bị tổn thương và cô đơn. Phải tuyệt đối tránh để trẻ bị bạn bè xa lánh và bị chỉ trích dẫn đến rối loạn trầm cảm.
Về tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em gái, các đại biểu đã chia sẻ một số nguyên nhân khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành đối tượng bị xâm hại, như thiếu sự quan tâm của gia đình; ly hôn, ly thân; bạo lực gia đình; sự du nhập của lối sống thực dụng; tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm…
Nhiều giải pháp đã được nêu lên, bao gồm giải pháp liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp về phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng cơ chế giám sát các cơ quan bảo vệ trẻ em, các cơ sở trợ giúp trẻ em...
Về các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, một số đại biểu đề cập việc thành lập trung tâm cung cấp dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại trên cơ sở phối hợp liên ngành (mô hình cung cấp dịch vụ cấp cứu, giám định y khoa thuận lợi, kịp thời; được hỗ trợ cách ly với đối tượng phạm tội, được hỗ trợ tư vấn tâm, sinh lý; được công an lấy lời khai thân thiện, kịp thời để làm bằng chứng 1 lần, tránh bị tổn hại tâm lý do phải kể đi kể lại nhiều lần sự việc…). Đồng thời, bố trí ngân sách và tạo cơ chế để thành lập và vận hành các mô hình dịch vụ cho trẻ em như: Cơ sở tham vấn (tại trường học, bệnh viện, cộng đồng); cơ sở trị liệu tâm lý.
Cùng với đó là giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về trẻ em bị bạo lực, xâm hại; quản lý hiệu quả các trang mạng xã hội, tránh lan truyền những thông tin không chính xác, sai lệch về các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; quan tâm giáo dục gia đình, giáo dục làm cha mẹ, giáo dục cho trẻ về kỹ năng sống, giao tiếp xã hội hoặc ứng phó các tình huống liên quan đến mạng xã hội; bố trí cán bộ nữ trực tiếp thụ lý các vụ việc mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em; tổ chức trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em trong liên ngành tư pháp; tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật, tham vấn học đường; hướng tới mục tiêu bình đẳng giới sẽ không còn là khẩu hiệu, mà phải thực sự đi vào cuộc sống.