Tăng cường trợ giúp doanh nghiệp và người lao động bị giảm việc
Đời sống - Ngày đăng : 20:19, 19/11/2022
Một số doanh nghiệp gặp khó
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thinh thông tin, tính đến giữa tháng 11-2022, số doanh nghiệp tại thành phố phải cắt giảm lao động là 27, ở mức thấp so với năm 2019 (74 doanh nghiệp) và năm 2020 (86 doanh nghiệp); tăng 1 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021. Lý do cắt giảm lao động được các doanh nghiệp đưa ra là cơ cấu lại công nghệ, bố trí lại trang thiết bị máy móc, ảnh hưởng về kinh tế…
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, dệt may là một trong số các ngành đang gặp khó khăn. Hiện, số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành như Mỹ giảm 30-40%, EU giảm tới 60%. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng, chiếm tới 20-25%.
“Từ quý IV-2022 và cả quý I-2023, dự báo đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may không tăng. Trong khi đó, nhiều khách hàng còn ép giá giảm tới 50% so với trước đây. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm năng lực sản xuất và lao động”, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân cho biết.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động xảy ra không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh, mà còn ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Số lao động này có xu hướng dồn về thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm, càng tăng sức ép xã hội. Việc người lao động tìm nguồn thu nhập cũng là cơ hội để tội phạm tín dụng hoạt động.
“Ngay trong ngày 19-11, Công an thành phố đã triệt phá một điểm có 220 nhân viên thu nợ núp bóng nhân viên văn phòng tư vấn luật ở quận 12. Ngành Công an sẽ tiếp tục kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm này và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động tài chính để sớm phát hiện những bất thường”, Thiếu tướng Lê Hồng Nam thông tin.
Triển khai nhiều giải pháp
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đã phối hợp với Liên đoàn lao động, Bảo hiểm xã hội và chính quyền các địa phương làm việc với chủ doanh nghiệp để cùng xây dựng phương án bố trí lao động; thực hiện các chính sách bảo đảm quyền lợi của người lao động; kết nối cung - cầu từ nơi cắt giảm đến nơi có nhu cầu tuyển dụng mới.
“Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp với Phòng Lao động huyện Củ Chi giới thiệu việc làm cho 770 công nhân Công ty TNHH Việt Nam Samho bị cắt giảm việc đến làm việc tại 6 công ty khác. Sở cũng phối hợp với các bên tìm việc làm mới cho 1.185 công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) phải nghỉ việc. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bên chăm lo Tết cho công nhân chu đáo. Sở sẽ nỗ lực bám sát hoạt động của các doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên để nắm chắc tình hình lao động, việc làm, sớm có giải pháp ứng phó khi có biến động”, ông Lê Văn Thinh nói.
Về phía HUBA, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân kiến nghị, ngành Thuế cần nhanh chóng hoàn thuế để doanh nghiệp có thêm nguồn tiền duy trì sản xuất hoặc đầu tư tìm nguồn hàng, nguồn khách mới. Đề xuất này xuất phát từ thực tế quy định hoàn thuế VAT hiện là 40 ngày, nhưng việc đánh giá doanh nghiệp được hoàn thuế hay không lại phức tạp.
“Điển hình, các doanh nghiệp ngành Gỗ mới chỉ được hoàn thuế VAT hơn 200 tỷ đồng; số tiền chưa được hoàn trả doanh nghiệp là hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ được hoàn trả khoảng 50% khoản tiền này. Chúng tôi cũng đề xuất cơ quan hữu quan xem xét nới room tín dụng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tiếp tục giảm 2% lãi vay ngân hàng cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân đề xuất.
Ngày 19-11, phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp về kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội thành phố ổn định; nhiều lĩnh vực tăng trưởng khá; 14/19 chỉ tiêu của năm 2022 có thể đạt và vượt. Tuy nhiên, việc 27 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dịp cuối năm cũng thể hiện một số vấn đề khó khăn trong phát triển kinh tế của thành phố và ảnh hưởng đến người lao động nên cần được giải quyết.
“UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương, sở, ngành, cán bộ, công chức, viên chức theo dõi sát tình hình và có giải pháp trợ giúp doanh nghiệp, người lao động đang gặp khó khăn; xử lý kịp thời tình huống phát sinh, nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp sớm ổn định”, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin.