Dồn sức hoàn thành nhiệm vụ

Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 24/11/2022

(HNM) - Theo quy định tại Luật Cư trú 2020, từ ngày 1-1-2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Để chuẩn bị cho thời điểm thay đổi này, ngày 2-10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã phát động “Cao điểm 90 ngày đêm” bảo đảm hoàn thành những chỉ tiêu phục vụ công tác triển khai Luật Cư trú năm 2020. Công việc này đang được Công an thành phố Hà Nội dồn sức thực hiện với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ.

Công an huyện Ba Vì thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp tại nhà cho người cao tuổi.

Vì mục tiêu xã hội số

Cách đây 1 tháng, vào thời điểm ngoài giờ làm việc, để phục vụ cấp căn cước công dân cho người già yếu, không thể đi lại, Tổ công tác của Công an huyện Ba Vì đã vận chuyển máy móc đến tận nhà để làm thủ tục cho bà Nguyễn Thị Oanh (101 tuổi) là mẹ anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì. “Không chỉ mẹ tôi, nhiều người cao tuổi cũng được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ba Vì đến từng nhà thăm hỏi, làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp”, anh Nguyễn Văn Cường kể lại. Đó chỉ là một trong rất nhiều việc làm thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm “Vì nhân dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội khi bắt đầu bước vào chiến dịch “90 ngày đêm” với một tâm thế mới.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-CAHN-PV01-PC06 về mở đợt “cao điểm 90 ngày đêm” nhằm hoàn thành các chỉ tiêu bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp căn cước công dân, cấp định danh điện tử để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Luật Cư trú năm 2020 khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng.

“Chúng tôi giao Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc Công an thành phố về tiến độ và chất lượng thực hiện kế hoạch của đơn vị mình”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhấn mạnh.

Khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng, bước vào giai đoạn mọi thông tin liên quan đến cư trú đều được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, đòi hỏi ngành Công an phải hoàn thành cơ sở dữ liệu công dân cần thiết, làm tiền đề từng bước xây dựng xã hội số với nhiều tiện ích cho người dân và các cơ quan quản lý…

Công an phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID.

Quyết tâm về đích đúng hạn

Đến nay, “cao điểm 90 ngày đêm” vẫn chưa kết thúc nhưng đã có những đơn vị hoàn thành 100% chỉ tiêu công việc. Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin, Công an quận đang tập trung thực hiện “90 ngày đêm” và đến nay đạt trên 80% các chỉ tiêu, trong đó Công an phường Xuân Tảo đã hoàn thành 100% chỉ tiêu… Đáng chú ý, Đoàn Thanh niên Công an quận Bắc Từ Liêm tham mưu cho Quận đoàn Bắc Từ Liêm có kế hoạch phát động toàn thể đoàn viên thanh niên của quận thành lập các tổ tình nguyện viên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNeID tại 22 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 146 tòa chung cư, 199 tổ dân phố, 85 trường học các cấp trên địa bàn quận.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm chia sẻ, trong quá trình cấp căn cước công dân gắn chíp, xác thực định danh điện tử đã xuất hiện lỗi như máy không quét được vân tay; không cho lưu đối với một số trường hợp; công dân có dữ liệu trên hệ thống, nhưng khi khai thác lại báo lỗi dẫn đến hồ sơ phải nhập thủ công. Việc làm sạch dữ liệu gặp khó khăn do nhiều trường hợp là nhân khẩu đã chuyển đi nhưng không rõ địa chỉ, chủ hộ đã chết, hộ gia đình chưa thống nhất được ai làm chủ hộ… Tất cả những vấn đề này đều đã được khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Thị Hoa, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, các trường hợp chưa thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, xác thực định danh điện tử đều là những trường hợp khó, phải đến tận nhà để thu nhận…

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Lan cho biết, UBND phường đã triển khai mô hình điểm đăng ký dịch vụ công trực tuyến tại sảnh các chung cư lớn trên địa bàn. Vào cuối tuần, cán bộ UBND phường và Đoàn Thanh niên phường tận dụng ngày nghỉ đến tận địa bàn cơ sở để hướng dẫn công dân đăng ký hồ sơ trực tuyến.

Để hoàn thành các chỉ tiêu “cao điểm 90 ngày đêm”, Công an thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực, có giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, chủ động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu”. Qua đó vừa phục vụ công tác cấp, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, vừa rà soát tình trạng sót lọt thông tin công dân, bảo đảm công tác quản lý cư trú, nhất là đăng ký tạm trú, phục vụ hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an giao, xong trước ngày 20-12-2022.

Chu Dũng