Đồng hành giúp công nhân vượt qua khó khăn
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 29/11/2022
Giai đoạn khó khăn...
Khác với mọi năm, thời điểm cuối năm đa số công nhân lao động "đầu tắt, mặt tối" để tăng ca, gấp rút hoàn thành các đơn hàng cho đối tác, thì năm nay, đa số công nhân đều nhàn rỗi, công việc bị thu hẹp. Chịu tác động do việc giảm đơn hàng là một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ...
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga đều là công nhân chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) tỏ ra lo lắng vì thu nhập đang dần bị cắt giảm. Hai vợ chồng chị chỉ nhận lương mỗi người 6,5 triệu đồng/tháng (trước đó làm thêm được gần 9 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, tiền thuê nhà trọ, tiền học cho con, rồi tiền chi tiêu hằng ngày… với giá cả leo thang khiến chị bộn bề nỗi lo. Chị Nga tính toán, hiện nay gia đình chị đang ở nhà trọ với giá 1,5 triệu đồng/ phòng, sắp tới sẽ phải tìm nhà trọ giá rẻ hơn, chỉ khoảng 700-800.000 đồng/phòng nhằm tiết kiệm chi tiêu.
Tương tự, từ tháng 10-2022 đến nay, anh Nguyễn Văn Hải, công nhân Công ty May liên doanh Plummy (huyện Quốc Oai) hầu như không có việc làm thêm tăng ca cuối tuần, số giờ tăng ca ngày thường cũng giảm từ 3-4 giờ làm thêm/ngày xuống còn 1 giờ hoặc không phải làm thêm. Do đó, thu nhập mỗi tháng giảm khoảng 2-3 triệu đồng, khiến cuộc sống thêm phần bấp bênh. Trước tình thế này, ngoài giờ làm ở công ty, anh Hải lại tranh thủ "chạy xe" cho hãng Grab và Bee, để kiếm thêm thu nhập, bù đắp khoản thiếu hụt do công ty giảm đơn hàng. Song có ngày ốm, mệt, hoặc không có khách đi xe, đồng nghĩa với việc không có tiền.
Để giảm gánh nặng chi phí, phần lớn doanh nghiệp không tăng ca, nghỉ ngày thứ bảy hoặc 1 tuần làm 3 ngày. Bên cạnh việc duy trì tiền lương cơ bản cho lao động, nhiều doanh nghiệp bảo đảm đời sống cho nhân viên bằng cách cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ hết phép năm nay và ứng phép năm 2023. Đây là cách doanh nghiệp giữ chân lao động và bảo đảm cho họ có một cuộc sống ổn định trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Song song đó, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới để tìm kiếm thêm việc làm, thu nhập cho người lao động khi Tết đã cận kề.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động
Chia sẻ khó khăn với người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Phan Thanh Hải cho biết, do công ty thiếu đơn hàng nên hiện thu nhập lao động giảm từ 15-20%. Song công ty cố gắng duy trì việc làm và hưởng thu nhập cơ bản, không để công nhân nào mất việc. Hơn nữa, việc hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn từ 500.000-1.000.000 đồng/ người cho 100-200 trường hợp/ năm vẫn được duy trì. Hiện công ty đang rà soát tiền thưởng Tết, cố gắng duy trì, không cắt giảm so với các năm.
Còn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy (huyện Quốc Oai) Hà Thị Phương Anh, so với cùng kỳ năm trước, thu nhập của lao động giảm 10-15%, song công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Hiện Công đoàn cơ sở đang thương lượng với công ty để bàn bạc về kế hoạch lương, thưởng Tết. Mục tiêu là duy trì tiền thưởng Tết, nếu bắt buộc phải giảm thì cũng giảm không đáng kể. Các khoản chi quà Tết, hỗ trợ gia đình khó khăn vẫn được bảo đảm.
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng thông tin, năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến động tình hình kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng nhưng vẫn cố gắng duy trì giờ làm để người lao động hưởng lương cơ bản, còn thu nhập tăng thêm từ làm thêm, tăng ca buộc phải cắt giảm.
Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, đã yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân lao động. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp rà soát để thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận và xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022. Đặc biệt, quan tâm tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tăng cường quản lý nhà nước để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động.