Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thanh niên để hội nhập quốc tế

Đời sống - Ngày đăng : 12:30, 29/11/2022

(HNMO) - Ngày 29-11, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là diễn đàn quốc tế đầu tiên do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các nước ASEAN và Trung Quốc.

Đại biểu trao đổi ý kiến tại diễn đàn.

Tham dự có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; đại diện đại sứ quán các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo phụ trách công tác thanh niên các nước ASEAN và Trung Quốc; các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm cho biết, ngày nay, phát triển thanh niên trở thành vấn đề lớn của mỗi quốc gia, dân tộc. Tại hầu hết các quốc gia, ở các mức độ khác nhau, Nhà nước đều có các chủ trương, chính sách đối với thanh niên để bồi dưỡng, đào tạo và phát huy sự tham gia của thanh niên vào tiến trình phát triển của xã hội. Đối với riêng Việt Nam, thanh niên được khẳng định là lớp người làm chủ tương lai của đất nước.

Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Thanh niên, cùng nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến thanh niên. Chính phủ đã ban hành các nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, các đề án, dự án, chương trình huy động thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên của các nước trên các lĩnh vực: Học tập, nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; chuyển đổi số; chính sách dành cho các đối tượng thanh niên...

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình, dự báo về những tác động ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách phát triển thanh niên của các nước; đồng thời, đề xuất cơ chế phối hợp trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển thanh niên; tăng cường hợp tác thanh niên ASEAN và Trung Quốc...

Chia sẻ về chính sách Thanh niên tài năng của Trung Quốc, bà Pan Meng, giảng viên Khoa Nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử phong trào thanh niên của Đảng, Học viện Chính trị thanh niên Trung Quốc cho biết, chính quyền trung ương tích cực tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng trẻ. Trong đó, chính quyền địa phương đưa ra các chính sách thúc đẩy sự phát triển của thanh niên tài năng dựa trên điều kiện địa phương. Năm 2022, Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động đào tạo thanh niên tài năng trong thời đại mới và xây dựng mô hình việc làm “1+5”. Mô hình này tập trung đào tạo thanh niên tài năng hướng tới thành tựu chính trị, phát triển kỹ năng khoa học và công nghệ, vận hành và quản lý, tái thiết nông thôn và thúc đẩy phúc lợi công.

Cũng nêu kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên tài năng của Thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường cho biết, Hà Nội đặc biệt quan tâm chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô, thể hiện qua công tác tiếp nhận, đặc cách không qua thi tuyển vào công chức, viên chức. Đến nay, thành phố đã tuyển dụng được 55 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối với bác sĩ nội trú, đến nay đã xét tuyển được 182 bác sĩ. Đối với vận động viên, văn nghệ sĩ tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, thành phố đã tuyển dụng được 77 người.

Đặc biệt, UBND thành phố đã ban hành đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao để bổ sung công chức trẻ…

Quang cảnh diễn đàn quốc tế với chủ đề “Chính sách phát triển thanh niên - Kinh nghiệm của các nước”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Quyên, hằng năm, có ít nhất 700.000 thanh niên được giải quyết việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập về chính sách và tổ chức thực hiện; chất lượng lao động thanh niên còn hạn chế; tỷ lệ thất nghiệp của lao động thanh niên còn cao, nhiều sinh viên ra trường gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm… 

Kết luận diễn đàn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, thời gian tới, với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, pháp luật đối với thanh niên, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Tường Lâm mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của các cơ quan, bộ phụ trách công tác thanh niên các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các bộ, ngành, địa phương trong quá trình nghiên cứu, đề xuất, thực hiện điều tra, khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên tại Việt Nam…

Nguyệt Ánh