Tuyên truyền pháp luật cho các nhóm phụ nữ đặc thù còn hạn chế
Đời sống - Ngày đăng : 16:38, 02/12/2022
Các ý kiến phát biểu đều đánh giá việc ký kết kế hoạch phối hợp đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa 2 đơn vị, đồng thời, tiếp nối sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Sở Tư pháp thời gian vừa qua đã đem lại lợi ích thiết thực. Đó là, nâng cao kiến thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho phụ nữ và nhân dân Thủ đô, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, linh hoạt, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, internet phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Nhiều mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư được thành lập mới, nhân rộng và triển khai hiệu quả, tạo nên các diễn đàn về tìm hiểu và thực thi pháp luật bổ ích cho phụ nữ.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc tuyên truyền pháp luật cho các nhóm phụ nữ đặc thù còn hạn chế. Hoạt động của một số mô hình tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật hiệu quả chưa cao. Còn tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội thống nhất, thời gian tới, sẽ tăng cường quản lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ thành phố đến cơ sở.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với thực hiện chủ đề hằng năm do Trung ương, thành phố phát động và các cuộc vận động, chương trình, đề án, kế hoạch đang được các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố triển khai.
Hai bên cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để ngày càng nhiều chị em được thụ hưởng kiến thức pháp luật...