Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại thành phố Hà Nội: Thực chất, hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 13:28, 04/12/2022
Lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật
Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Hà Nội luôn xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, ngay từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực và quy định ngày 9-11 là Ngày Pháp luật Việt Nam, hằng năm, UBND thành phố và 100% các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đều ban hành kế hoạch tổ chức triển khai tại ngành, đơn vị mình. Không chỉ tuyên truyền trước, trong và sau Ngày Pháp luật, việc phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, tạo hiệu ứng lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật.
Từ năm 2013 đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 82.207 cuộc tuyên truyền về văn bản mới, luật liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, với trên 13.125.091 lượt người tham dự. Gần đây nhất, việc Hà Nội tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” là ví dụ điển hình khi Ban tổ chức lựa chọn chủ đề cuộc thi rất thời sự, thu hút được sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Đặc biệt tuyên truyền qua thiết bị điện tử tại các tòa chung cư và màn hình LED (mô hình “Cầu thang pháp luật”) là hình thức mới rất hiệu quả, được nhiều địa phương, người dân đánh giá cao.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà thông tin, trước đây cơ quan này đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp thì trong đại dịch Covid-19 đã linh hoạt chuyển sang tuyên truyền qua phần mềm Zoom hoặc Google Meeting, bởi học sinh đã được học qua Zoom nên tuyên truyền qua nền tảng này rất tốt. Mỗi ngày có thể thực hiện tuyên truyền đến 2.000-4.000 em. Để tăng tính tương tác, Đoàn luật sư thành phố đã làm việc với nhà trường, phối hợp cùng giáo viên cho điểm ở môn giáo dục công dân nên học sinh sẽ tự suy nghĩ, trao đổi và tập trung nghe hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hà, sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, từ tháng 4-2022, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tới cơ sở càng được đẩy mạnh và là hoạt động tự nguyện của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Ở cơ sở, tại các quận: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, việc phổ biến pháp luật gắn với nhu cầu người dân, tăng cường tuyên truyền qua trên loa truyền thanh cơ sở hay phát hành tờ gấp… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, thuận tiện hơn.
Góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Để tiếp tục đưa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ gắn thực hiện luật với thực hiện chỉ đạo mới của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền qua phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, mạng xã hội…
Dõi theo những kết quả ấn tượng mà thành phố Hà Nội đã đạt được qua gần 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhận xét, Hà Nội đã tìm ra cách làm đúng để hưởng ứng, thực hiện các định hướng chung của Trung ương; đồng thời bổ sung, sáng tạo cách làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Cũng theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất những mục tiêu, nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có thượng tôn Hiến pháp, pháp luật; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trong bối cảnh đó, các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được phổ biến tới cán bộ, người dân để cùng nhau giám sát thực hiện, bảo đảm tất cả mọi người dân đều sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.