Cần thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng
Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 06/12/2022
Theo kết quả điều tra dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ sau 2 năm (tính từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2019), tổng dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 2,1 triệu người, trong đó, dân số cao tuổi tăng thêm gần 1,2 triệu người (chiếm 56% phần dân số tăng thêm). Dự báo, đến năm 2049, nước ta có khoảng 28,6 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 25% dân số).
Người cao tuổi chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng dân số (hiện gần 12 triệu người, bằng gần 12% dân số), nhưng số người có lương hưu, trợ cấp xã hội còn thấp. Tính chung tất cả số người hưởng các chế độ (hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng), thì cả nước mới có khoảng 40% dân số là người cao tuổi có khoản tiền lương hằng tháng. Phần đông còn lại không có lương hưu, nên cuộc sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.
Để nhiều người cao tuổi có lương hưu, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam chỉ rõ, chính sách bảo hiểm xã hội cần mở rộng diện bao phủ đến đại đa số người dân trong độ tuổi lao động, nhất là với nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên. Thế nhưng, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, số người tham gia bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây tuy có tăng, song tính đến cuối tháng 11-2022 mới đạt hơn 17 triệu người, bằng gần 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, đồng nghĩa còn hơn 60% với khoảng 30 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia chính sách.
Phân tích nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những lý do đã phản ánh là một bộ phận người lao động chưa hiểu rõ tính ưu việt của bảo hiểm xã hội hoặc do chưa đủ điều kiện tham gia chính sách, thì còn do việc thiết kế hệ thống hưu trí chưa hấp dẫn. Cụ thể, hệ thống hưu trí hiện nay được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với hai chế độ chủ yếu. Chế độ thứ nhất dựa trên việc đóng góp của người lao động, doanh nghiệp với bảo hiểm xã hội bắt buộc và của người dân có sự hỗ trợ mức đóng của Nhà nước với bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chế độ thứ hai không dựa trên đóng góp (hay còn gọi là hưu trí xã hội), do ngân sách nhà nước chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội cho một số trường hợp khác dựa trên gia cảnh. Nói cách khác, già hóa dân số tăng nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng thiếu tính linh hoạt là những yếu tố cộng hưởng, gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.
Từ thực tế này, dưới góc nhìn khoa học, giảng viên khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) Giang Thanh Long cho rằng, việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, phương án giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để người dân sớm nhận lương hưu theo đề xuất có thể dẫn đến tình trạng người lao động chỉ tham gia trong ngắn hạn, chấp nhận về già nhận lương hưu thấp. Điều này có thể khiến cuộc sống của người dân vẫn khó khăn khi tuổi cao. Ngoài ra, phương án giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu dù thuận lợi cho những người muốn nghỉ hưu sớm, nhưng có thể gây lãng phí lực lượng lao động còn khả năng làm việc…
Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu xây dựng chế độ hưu trí đa tầng với công thức hưởng khác nhau. Tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa trên những năm đóng bảo hiểm xã hội ở mức thu nhập tối thiểu, hưu trí tầng này do Nhà nước phụ trách. Tầng thứ hai dành cho những người đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn làm việc, có thu nhập và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc chia sẻ chung, nhóm này tự chọn tuổi nghỉ hưu. Tầng thứ ba dành cho những người đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu. Với bảo hiểm xã hội tự nguyện nên bổ sung chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp...