Tạo ra những đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 20:41, 06/12/2022
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm làm rõ thêm ý nghĩa, mục tiêu, giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 15-NQ/TƯ); Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ; các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Đồng thời, tập trung đề xuất các ý kiến để làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển văn hóa Thủ đô; chuyển đổi số, xây dựng thể chế, truyền thông chính sách…
Xây dựng chiến lược để khai thác hết tiềm lực của Thủ đô
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, kể từ năm 1975 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 5 nghị quyết về vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ với tầm nhìn mới, tư duy mới và nhất là tâm thế phát triển mới để Thủ đô Hà Nội tích hợp được những cơ hội, thuận lợi từ tình hình quốc tế, khu vực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển Thủ đô Hà Nội như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước.
Cuộc tọa đàm nhằm có thêm kênh thông tin từ các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến vào quá trình tuyên truyền, triển khai nghị quyết; qua đó làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm: Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới; nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng thể chế, sửa đổi Luật Thủ đô, góp phần thúc đẩy các cơ chế đặc thù, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, cần nhận diện được bối cảnh quốc tế và cả nước tác động tích cực và tiêu cực đến việc đưa nghị quyết vào cuộc sống. Hà Nội chính là nơi tập hợp nhiều nguồn lực nhất của cả nước. Do đó, để thực hiện những mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Hà Nội cần có chiến lược để khai thác hết tiềm lực vốn có cho phát triển.
Kiến trúc sư Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đề ra, cần rất nhiều yếu tố, về quy hoạch, phát triển văn hóa, thu hút về nguồn nhân lực chất lượng cao… Hà Nội có bề dày hơn 1000 năm văn hiến, có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn, là nguồn lực liên quan đến phát triển kinh tế; có hệ thống cảnh quan đẹp, có quỹ đất lớn... Đây là những thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai.
Trong khi đó, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Thủ đô Hà Nội cần tập trung xây dựng văn hóa con người và tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất. Đó là, văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội, văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội gợi mở, Hà Nội phải có một chiến lược phát triển văn hóa. Trong đó, khôi phục, tạo nên bản sắc hấp dẫn của văn hóa Hà Nội. Cùng với đó, cần khai thác các di sản văn hóa như một phần của kinh tế, nhất là cần quan tâm đến khai thác giá trị di sản phố cổ Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố Pháp cổ, văn hóa ẩm thực Hà Nội… Vì vậy, phải có quy hoạch rất rõ để khôi phục, khai thác các di sản văn hóa.
Hà Nội cần đi đầu trong chuyển đổi số
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm khoa học, công nghệ hàng đầu của cả nước, đương nhiên Hà Nội phải đi đầu cả nước về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ở Hà Nội sẽ thực hiện theo 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Để thực hiện, trước hết, phải xây dựng cơ chế, hệ thống chính sách để khích lệ công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn, trong đó, phải đặc biệt khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Cần nhấn mạnh rằng, thành phần doanh nghiệp số sẽ quyết định sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế số ở Thủ đô Hà Nội”.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng khuyến nghị, để xử lý các vấn đề của Hà Nội thì phải có người tài. Bên cạnh vấn đề lương bổng cho người tài, Hà Nội phải có mô hình cho người tài thử nghiệm, có không gian để họ phát huy tài năng...
Đồng tình với ý kiến này, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, việc khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực trí tuệ là việc cấp thiết. Hà Nội đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề ở đây là phải tạo dựng được cơ chế, chính sách thông thoáng, không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ, mà đặc biệt phải chú trọng hơn nữa việc tạo dựng một môi trường làm việc để các tài năng có thể phát triển và được tin cậy. Hà Nội cũng cần tiếp tục hoàn thiện đề án về thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao; coi đây là yếu tố có khả năng tạo ra những đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô.