Quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri

Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 07/12/2022

(HNM) - Từ đầu năm 2022 đến nay, việc tiếp nhận giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri đã được các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội quan tâm, từng bước cải tiến cả phương pháp và cách làm để bảo đảm kết quả thiết thực, kịp thời giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm. Trước kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố khóa XVI, cử tri cũng tiếp tục quan tâm đề xuất, kiến nghị nhiều lĩnh vực và mong muốn cơ quan dân cử thành phố xem xét, đưa vào nghị trường thảo luận, quyết sách.

Cử tri quận Thanh Xuân kiến nghị các vấn đề dân sinh tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố khóa XVI.

Nhiều kiến nghị đã được giải quyết

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, từ kỳ họp thứ 18 (khóa XV) đến nay, hơn 1.300 nội dung cử tri kiến nghị đã được nghiêm túc xem xét, trả lời, đôn đốc giải quyết. Các nội dung trả lời đều rành mạch, rõ ràng, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; bảo đảm kết quả thiết thực, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền; cơ quan cấp trên không làm việc thay cơ quan cấp dưới.

Theo đó, 100% kiến nghị của cử tri đã được UBND thành phố trả lời nghiêm túc; đến nay đã có 67% kiến nghị được giải quyết. Các đơn vị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, giải quyết bảo đảm hợp tình, hợp lý, tháo gỡ được các vướng mắc và bức xúc trong thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân Thủ đô.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, trong quá trình giải quyết kiến nghị cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách và kiến nghị với cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết; từng bước chấn chỉnh, hoàn thiện công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền, tạo sự gắn bó, tin tưởng của cử tri trong thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với cuộc sống thường ngày của người dân và trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành.

Đặc biệt, một số nội dung chất vấn được cử tri nêu tại các kỳ họp như: Đầu tư xây dựng hạ tầng, trường học, thực hiện chương trình nông thôn mới; thực hiện dự án ngoài đê sông Hồng; các dự án bảo vệ môi trường; xử lý rác thải, nước thải tại các làng nghề... là những vấn đề phức tạp, sử dụng vốn lớn, thành phố phải cân nhắc, rà soát, sắp xếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên cần có thời gian triển khai, xử lý, không thể giải quyết nhanh chóng trong kỳ họp. Nhiều nội dung thuộc trách nhiệm của các cấp cơ quan theo phân cấp như: Công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; việc đầu tư các tuyến đường bị xuống cấp hoặc trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, trường học... đã được phân cấp cho cấp huyện.

“Lãnh đạo UBND thành phố luôn mong nhận được nhiều kiến nghị của cử tri nhằm giúp thành phố triển khai tốt hơn trong thực thi công vụ, giải quyết nhanh những vấn đề dân sinh bức xúc, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân với chính quyền. Qua đó góp phần giải quyết những hạn chế của chính quyền các cấp, tạo sự tin tưởng của nhân dân”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Tuy có nhiều cố gắng, song UBND thành phố cũng cho rằng, một số nội dung kiến nghị chưa có kết quả kịp thời hoặc có kết quả giải quyết ngay. Đơn cử như việc xử lý tồn tại về đất đai, trật tự xây dựng, xử lý môi trường... Có nội dung cử tri kiến nghị qua nhiều nhiệm kỳ như giải quyết tồn tại dự án liên doanh nước ngoài có sử dụng đất tại khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc phường Phúc Xá, quận Ba Đình; dự án đường trục phía Nam thành phố, Khu đô thị Thanh Hà, Khu đô thị Mỹ Hưng, tình trạng ô nhiễm tại sông Nhuệ; xử lý nước thải tại làng nghề... Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, bảo đảm kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri. Cùng với đó là tăng cường bám sát tình hình cơ sở để xử lý những vấn đề phức tạp tồn đọng kéo dài.

Hơn 140 ý kiến, kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ mười

Trước kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, cử tri Thủ đô đã gửi đến thành phố vấn đề liên quan về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời mong muốn được xem xét, đưa vào chương trình kỳ họp để thảo luận, quyết sách phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trong đó, đối với lĩnh vực tài chính, ngân sách, cử tri quận Hoàn Kiếm, thị xã Sơn Tây, huyện Gia Lâm đề nghị thành phố nghiên cứu, xem xét điều chỉnh các quy định phù hợp, tăng phân cấp trong việc mua sắm tài sản công tập trung phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tại cấp huyện và xã nhằm bảo đảm chủ động, thuận tiện, nhanh, đúng quy định.

Cử tri quận Thanh Xuân cho rằng, để thực hiện Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 của Chính phủ hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đề nghị cơ quan thuế in thông báo thuế sớm, xác định tiền chậm nộp đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho người dân… Cử tri quận Thanh Xuân cũng phản ánh, thành phố đang thí điểm lắp đặt dải phân cách làn xe trên đường Nguyễn Trãi, tuy nhiên qua quan sát thực tế, việc lắp đặt dải phân cách chưa góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông. Đề nghị thành phố đánh giá hiệu quả lắp đặt dải phân cách làn xe trên đường Nguyễn Trãi.

Về lĩnh vực quy hoạch, quản lý và phát triển giao thông đô thị, cử tri quận Hoàng Mai đề nghị thành phố có cơ chế phù hợp, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia xây dựng các bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị. Trong đó, tại quận Hoàng Mai đã được phê duyệt 86 ô quy hoạch có chức năng bãi đỗ xe và kết hợp một phần bãi đỗ xe, tuy nhiên mới chỉ có 5 ô được đầu tư đã đưa vào hoạt động, 18 ô đang thực hiện các thủ tục đầu tư, 63 ô quy hoạch chưa có nhà đầu tư.

Cử tri quận Đống Đa, Thanh Xuân phản ánh, những năm qua thành phố đầu tư cải tạo vỉa hè bằng “vật liệu siêu bền” nhưng qua một thời gian ngắn đã vỡ, hỏng. Vì thế, đề nghị xem xét, đánh giá lại, có giải pháp nâng cao hiệu quả việc lát đá vỉa hè, xử lý nghiêm sai phạm nếu có.

Cử tri huyện Mỹ Đức đề nghị UBND thành phố ban hành sớm hơn thời điểm thu các loại thu thuế hằng năm (thường tháng 9 mới có quyết định thu thuế) và chia đều ra các giai đoạn để người dân thuận lợi cho việc đóng góp hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước như thuế đất ở, các loại thuế đất phi nông nghiệp…

Cử tri huyện Ba Vì đề nghị UBND thành phố có văn bản hướng dẫn chi phụ cấp 25% công vụ đối với chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, thị trấn có lương hưu.

Cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố sớm ban hành Quy định về quản lý, vận hành và khai thác các điểm trông giữ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý, sắp xếp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Nội dung dự thảo đã được lấy ý kiến đóng góp của các quận huyện từ năm 2019, tuy nhiên đến nay chưa được ban hành.

Đặc biệt, cử tri một số quận đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý tình trạng cá chết ở hồ Tây; việc xử lý nước thải của một số nhà máy và 24 cửa cống để bảo đảm chất lượng nước hồ Tây. Đồng thời, nghiên cứu giao đơn vị làm đầu mối thống nhất quản lý để cải thiện chất lượng sông, hồ; thực hiện nạo vét, xử lý nước hồ trong 4 quận lõi của Thủ đô hiện nay đang bị ô nhiễm nặng.

Trong khi đó, cử tri quận Tây Hồ đề nghị thành phố chỉ đạo rà soát, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Cử tri quận Hai Bà Trưng đề nghị chấn chỉnh, thực hiện hiệu quả việc quy hoạch, triển khai các nghĩa trang trên địa bàn thành phố; có giải pháp hợp lý cả về quy hoạch và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các nghĩa trang nằm trong địa bàn dân cư. Cùng với đó là đẩy nhanh và đưa vào sử dụng hệ thống bản đồ địa chính số làm cơ sở để quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cử tri thị xã Sơn Tây, huyện Phú Xuyên đề nghị UBND thành phố chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế. Cử tri quận Thanh Xuân đề nghị đánh giá hơn 4 năm thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và sớm đề xuất quy định mô hình chính thức của lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị sau khi hết thời gian thí điểm.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cử tri huyện Thanh Oai đề nghị có hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn các công trình phụ trợ được phép xây dựng trong thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Về lĩnh vực chính sách với người có công, cử tri huyện Phúc Thọ cho biết, hiện nay các đối tượng chính sách như bố, mẹ liệt sĩ được hưởng chế độ hằng tháng 1,6 triệu đồng trong khi đó các hộ cô đơn được hỗ trợ 2 triệu đồng (đối với nông thôn) và 2,5 triệu đồng (đối với thị trấn). Qua đó, cử tri đề nghị thành phố nâng mức trợ cấp cho bố, mẹ liệt sĩ. Cử tri huyện Thạch Thất đề nghị thành phố quan tâm có chính sách hỗ trợ đối với phó trưởng công an, công an viên thường trực cấp xã trước đây nghỉ công tác nhưng chưa được giải quyết chế độ, chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31-3-2021 của Chính phủ về việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, những ý kiến, kiến nghị của cử tri là chính đáng. Thường trực HĐND thành phố đã tổng hợp, chuyển đến UBND thành phố để xem xét trả lời, giải quyết; đồng thời sẽ lựa chọn những vấn đề phù hợp để đưa vào thảo luận tại kỳ họp thứ mười.

Việt Tuấn