Quản lý hiệu quả quảng cáo ngoài trời
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 07/12/2022
Mới đây, khảo sát tại 2 nút giao thông An Phú và Cát Lái (thành phố Thủ Đức), Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận một số trụ quảng cáo có sai phạm, đã bị xử phạt, nhưng vẫn tồn tại. Ngoài ra, trong số 73 trụ pano quảng cáo ngoài trời tại các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố Thủ Đức cũng có nhiều trụ đơn vị thực hiện quảng cáo tự xây dựng không phép.
Sau 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo. Qua đó, đã xử lý gần 2.200 trường hợp vi phạm về quảng cáo ngoài trời, với tổng số tiền phạt hơn 22 tỷ đồng. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, vi phạm phổ biến là sai nội dung xin phép quảng cáo; không đúng vị trí lắp dựng bảng quảng cáo; không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (diện tích từ 20m² trở lên, khung và trụ kim loại); không bảo đảm an toàn cháy nổ, thoát hiểm… Đáng chú ý, kết quả kiểm tra cho thấy, có tới 747/1.515 bảng quảng cáo ngoài trời không phép...
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam, thủ tục cấp phép quảng cáo ngoài trời hiện còn khá phức tạp, phải có sự phối hợp ít nhất 4 sở quản lý chuyên ngành, gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng. Điều này dẫn đến thời gian cấp phép quảng cáo kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu của các đơn vị quảng cáo; đây cũng là nguyên nhân dẫn đến quảng cáo “chui”, không phép. Còn Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho biết, đến nay, thành phố vẫn chưa phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quảng bá sản phẩm, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo cũng hạn chế. Khảo sát của HĐND thành phố cho thấy, trách nhiệm chồng chéo giữa các sở, ngành với địa phương gây cản trở trong việc phát triển ngành quảng cáo.
Nếu như năm 2010, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng 2.700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, thì đến năm 2020, thành phố có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đóng góp khoảng 1,8% GRDP thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề nghị, UBND thành phố cần xây dựng chiến lược quảng cáo, trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động quảng cáo...
Về vấn đề này, ông Võ Trọng Nam cho biết thêm, thành phố định hướng xây dựng ngành công nghiệp quảng cáo để khai thác đúng tiềm năng về kinh tế mà lĩnh vực này mang lại. Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đang lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức về đề án Quy hoạch và phát triển quảng cáo. Dự kiến, cơ quan này sẽ trình UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét phê duyệt trong nửa đầu năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, trong đề án phát triển ngành công nghiệp quảng cáo, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành này đóng góp 2,6% vào GRDP thành phố, tương đương 32.000 tỷ đồng; đến năm 2030, ngành quảng cáo đóng góp 3,2% GRDP thành phố. Thành phố sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để khai thác hiệu quả hoạt động quảng cáo. Công nghiệp quảng cáo chắc chắn là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào GRDP thành phố trong thời gian tới.