Cảnh báo ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử
Đời sống - Ngày đăng : 10:30, 07/12/2022
Tháng 9-2022, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng hình thức giao hàng online, với mặt hàng là thuốc lá điện tử, thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma túy loại ADB-Butinaca.
Chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25-8-2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Khi sử dụng nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, nó khác là chất ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hóa chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma túy cần sa.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, trên thị trường cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD) để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác “phê”). Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp.
Thực tế, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất nicotin và một số các chất thơm. Khi chế tạo, các đối tượng đã “thả” thêm chất ma túy nhóm cần sa tổng hợp này vào. Vì chất ma túy này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma túy (từ nguồn mua, giá cả…).
Các đối tượng cho chất ma túy vào tinh dầu thuốc lá điện tử, ban đầu, chúng cho người sử dụng dùng thử như dùng thuốc lá điện tử thông thường. Khi người dùng đã “bị lệ thuộc”, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn…
Gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng… có nguyên nhân được xác định do ngộ độc một số chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử có tên ADB-Butinaca.
Để góp ngăn chặn các loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc, chung tay của gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng.
Cơ quan công an khuyến cáo, đối với gia đình, bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe con, quan sát các hoạt động trong cuộc sống của con cái trên cơ sở đồng hành, tôn trọng, tránh dẫn tới hành vi chống đối do bị áp đặt; phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của con, em mình; quản lý con, em mình chặt chẽ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Cùng với đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên nói chung không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội.
Do đó, nhà trường cần khuyến cáo không sử dụng ma tuý, không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử nói riêng; tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiểu biết đầy đủ về những tác hại khôn lường của thuốc lá, của ma túy, để cùng xây dựng môi trường lành mạnh, không khói thuốc lá; tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.
Nhà trường và học sinh không ngừng tương tác tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất kích thích trong nhà trường: Nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng... để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.