Công bố kết quả nghiên cứu mức độ hòa nhập của người khuyết tật

Đời sống - Ngày đăng : 15:05, 07/12/2022

(HNMO) - Ngày 7-12, tại Hà Nội, Hội thảo công bố các phát hiện chính của “Nghiên cứu thí điểm đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương” đã được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) phối hợp tổ chức.

Nhiều sản phẩm của người khuyết tật làm ra bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ nhưng vẫn cần hỗ trợ "đầu ra" tốt hơn.

Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12-2022) nhằm phản ánh tiếng nói của người khuyết tật khi họ tham gia sử dụng các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính công tại địa phương và đưa ra những khuyến nghị nâng cao mức độ hòa nhập người khuyết tật trong quản trị công tại địa phương trên các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, y tế...

“Nghiên cứu thí điểm đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương" do UNDP và MDRI thực hiện từ tháng 6-2022 đến tháng 10-2022, tiến hành khảo sát với trên 1.600 người khuyết tật, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tìm hiểu về mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong quản trị địa phương. Đây là hoạt động thí điểm trước khi mở rộng phạm vi nghiên cứu trong các năm tiếp theo.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã giới thiệu các phát hiện chính của nghiên cứu, tổ chức tọa đàm về giá trị của các phát hiện chính, tính ứng dụng và khả năng mở rộng phạm vi nghiên cứu trong những năm tiếp theo.

Một số con số đáng lưu ý: 36,2% người khuyết tật có công việc chính là tự làm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các hình thức công việc của người khuyết tật; tỷ lệ người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng không có việc làm/chưa đi làm việc bao giờ lên đến hơn 70%...

Trong số những người khuyết tật có công việc tạo ra thu nhập, gần một nửa số người khuyết tật (48,9%) có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng (khảo sát tháng 6-2022). Tỷ lệ người khuyết tật không có thu nhập riêng và bị nợ lương/chưa bán được sản phẩm tương đối cao (27%). Đa phần người khuyết tật dễ dàng tiếp cận thông tin nhất qua các phương tiện âm thanh (63,3%). Riêng người khuyết tật dạng nghe, nói dễ dàng tiếp thu thông tin nhất qua ngôn ngữ ký hiệu.

Các chuyên gia đã nêu lên nhiều khuyến nghị, bao gồm: Cần có những nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về những rào cản đặc biệt đối với người khuyết tật nữ và người khuyết tật các nhóm nghe - nói, thần kinh - tâm thần, trí tuệ trong việc tham gia vào các hội nhóm, các hoạt động cộng đồng tại địa phương để có cơ sở đưa ra giải pháp hòa nhập người khuyết tật phù hợp với từng đối tượng...

Bên cạnh đó, do hệ thống phương tiện công cộng chưa phổ biến tại các tỉnh, thành phố nhỏ, người khuyết tật chưa được tiếp cận nhiều với các loại phương tiện công cộng; dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến huyện được người khuyết tật đánh giá khá tốt nhưng cơ sở hạ tầng bệnh viện cần thân thiện hơn với người khuyết tật. Vì vậy, cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng bệnh viện hòa nhập để người khuyết tật có thể sử dụng dịch vụ y tế công tại địa phương dễ dàng hơn.

Đặc biệt, cần có thêm nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của người khuyết tật để hiểu rõ hơn nhu cầu của người khuyết tật và xây dựng được các chương trình/chính sách hỗ trợ phù hợp.

Mai Hoa