Mạnh tay xử lý chậm đóng bảo hiểm xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 17/02/2023
Ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Đối với doanh nghiệp, nếu không nộp đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ không yên tâm gắn bó lâu dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không ổn định của doanh nghiệp, đồng thời cũng dẫn đến những khiếu nại do người lao động cần được bảo vệ quyền lợi của mình. Với người lao động, họ sẽ bị ảnh hưởng đến những quyền lợi chính đáng, nhất là khi giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... Đây là thực tế đã diễn ra với nhiều người lao động, khiến cơ quan chức năng vào cuộc nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế nhất định. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra, khi doanh nghiệp không nộp đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng sẽ khiến người lao động gặp khó khăn khi về hưu. Theo đó, họ sẽ không có lương, thậm chí cuộc sống có khó khăn muốn rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không được vì không chốt được sổ bảo hiểm xã hội.
Trước tình trạng vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, năm 2022, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 9.147 đơn vị sử dụng lao động, đơn vị nội bộ, cơ sở khám, chữa bệnh và đại lý thu, đại diện chi trả. Kết quả, có 5.370 đơn vị đã khắc phục hết số tiền nợ, 1.040 đơn vị khắc phục một phần số tiền nợ. Song về tổng thể, các đơn vị khắc phục số tiền nợ bảo hiểm xã hội mới đạt 37,5%.
Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài nhiều năm cũng đang trở thành vấn đề nóng. Đơn cử tại Thanh Hóa, tính đến đầu tháng 1-2023, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 466 tỷ đồng. Thậm chí có những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hơn 6 năm, với số tiền hàng chục tỷ đồng. Đó là Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động nhưng nợ bảo hiểm xã hội 79 tháng, với số tiền hơn 15,4 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 63 lao động nợ bảo hiểm xã hội 55 tháng, với số tiền hơn 9,2 tỷ đồng.
Mặt khác, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở hoặc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đối với người lao động chưa thực hiện được. Ngoài ra, nhiều địa phương còn hạn chế nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học ở địa bàn khu công nghiệp.
Cần “thuốc đặc trị” mạnh hơn nữa
Mặc dù, tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội rất nhiều, nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xử lý dứt điểm gặp khó khăn.
Đầu tiên là người lao động ít biết việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội. Chỉ khi không may ốm đau, tai nạn lao động hay nghỉ chế độ thai sản, đi sinh con mà không được bảo hiểm xã hội giải quyết thì họ mới biết là doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm xã hội cho mình. Bên cạnh đó, họ gặp nhiều khó khăn khi đi kiện, vì nếu tự mình đi kiện cũng phải đi tìm các chứng cứ về doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ gửi tòa án thụ lý. Đặc biệt, một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ người lao động, nhưng vẫn dùng đủ chiêu che giấu như chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội về ốm đau, tai nạn lao động hay nghỉ chế độ thai sản cho vài người thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội...
Để bảo đảm quyền lợi người lao động, Liên đoàn Lao động một số địa phương đã đề nghị cần có thêm “thuốc đặc trị” mạnh hơn nữa đối với việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Về vấn đề này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đã nhiều lần đề xuất các giải pháp giải quyết. Trước mắt, đầu tháng 2-2023, Tổng Liên đoàn đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết cho hơn 200.000 lao động bị “treo” quyền lợi vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Họ là lao động trong gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn, nợ đọng nhiều năm với số nợ bảo hiểm xã hội khoảng 3.500 tỷ đồng (đến tháng 9-2022) và hầu như không thể thu hồi.
Giải pháp đáng chú ý nữa của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam là tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng bảo hiểm xã hội không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên. Đặc biệt, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định những doanh nghiệp cố tình trốn đóng… Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác. Qua đó, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia và nộp đầy đủ bảo hiểm cho người lao động.
Về lâu dài, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là giải pháp căn cơ không những giải quyết vướng mắc về thủ tục, thời gian giải quyết trong thực hiện quy định về khởi kiện của tổ chức Công đoàn hiện nay, mà còn bổ sung “cây gậy” pháp lý ngăn chặn doanh nghiệp trục lợi, tạo độ tin tưởng nhiều hơn vào chính sách bảo hiểm xã hội.