Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 06:45, 17/02/2023
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Sơn La đã chú trọng công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện trên tất cả các mặt; cơ bản bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, đạt 96%; làm tốt công tác phát triển Đảng; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, trong thời gian tới, Sơn La cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về các nghị quyết của Đảng, của Trung ương liên quan đến công tác tổ chức, xây dựng Đảng; tiếp tục cụ thể hóa và đưa những nghị quyết đó vào cuộc sống. Cùng với đó, Sơn La cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hướng dẫn để nâng cao chất lượng công tác tổ chức, xây dựng Đảng; tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ và chú trọng đến cán bộ là người dân tộc, cán bộ nữ, cán bộ trẻ để bảo đảm cơ cấu hợp lý...
Dịp này, đồng chí Trương Thị Mai cùng Đoàn công tác đã dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La.
* Tại Nhà Quốc hội, chiều 16-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026).
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao các ý kiến đóng góp vào các dự thảo: Thông báo kết luận của Đảng đoàn Quốc hội; Nghị quyết về việc thành lập Ban Chỉ đạo; Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam là sự kiện quan trọng diễn ra trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với nhiều hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo cử tri và nhân dân cả nước về lịch sử hình thành, phát triển và những thành tựu đạt được của Quốc hội Việt Nam trong chặng đường 80 năm qua. Với ý nghĩa thiết thực đó, việc tổ chức kỷ niệm cần được triển khai với các hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm; gắn với các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2025 và 2026; bảo đảm các yêu cầu thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương hình thức...
* Cùng ngày, Đoàn công tác do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Quân khu 9.
Tại cuộc làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tiếp tục bám sát các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, địa phương chỉ đạo, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ, nhất là trên hướng biên giới, biển, đảo, các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra; thường xuyên duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu lực lượng vũ trang Quân khu 9 tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua quyết thắng và các cuộc vận động của đất nước, quân đội; xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, trọng tâm là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu...
* Tại trụ sở Chính phủ, sáng 16-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đã chủ trì cuộc họp của hội đồng.
Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, theo quy định tại Luật Quy hoạch.
Kết luận cuộc họp, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung dự thảo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu đặt ra về nhiệm vụ quy hoạch và nhiều vấn đề khác, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị đơn vị soạn thảo tiếp thu đầy đủ, chọn lọc các ý kiến xác đáng tại cuộc họp để bổ sung vào quy hoạch theo nguyên tắc có tính dự báo, tính định hướng, có thứ tự ưu tiên… Các nội dung đưa vào quy hoạch cần rõ ràng, tránh trường hợp có thể hiểu theo nhiều cách.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố bất ổn, khó lường đang diễn ra hiện nay như biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, một số bất lợi từ bên ngoài, cơ chế, chính sách chưa thực sự đồng bộ, hợp lý, Phó Thủ tướng nhận định, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vẫn cần được thông qua. Không thể có một bản quy hoạch đáp ứng được tất cả mọi việc, nhưng cần có quy hoạch này để làm cơ sở pháp lý triển khai một số bước tiếp theo.
* Chiều 16-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của ngành Nội vụ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc hoàn thành rất tốt khối lượng công việc vừa lớn vừa khó, vừa mới, trong đó có những nhiệm vụ liên quan đến tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, hay chuyển đổi số…
Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của Bộ Nội vụ. Trong đó, đối với Đề án đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị kỹ lưỡng Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ cũng như các bộ, ngành khác, theo thẩm quyền của mình, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, không để tình trạng nợ đọng văn bản.