Nhiều địa phương đề xuất ý kiến liên quan chính sách thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư

Đời sống - Ngày đăng : 07:06, 06/03/2023

(HNMO) - Nhận diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực thi luật đất đai về thu hồi đất nông nghiệp, đất ở, nhiều địa phương đã góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.

Cần làm rõ mục đích khi thu hồi đất

Liên quan đến công tác thu hồi đất để thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, tỉnh có kiến nghị cần làm rõ hơn tại Dự thảo Luật khái niệm về các trường hợp Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ông Lương Trọng Quỳnh dẫn chứng: "Tại Điều 78, Dự thảo Luật đang liệt kê các trường hợp dự án Nhà nước được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn thiếu một số trường hợp khác".

Do đó, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng: Nhà nước chỉ thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đầu tư công và các dự án không có yếu tố kinh doanh, để Luật Đất đai có thể bao trùm được hết các trường hợp dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sau khi triển khai thi hành Luật.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa bàn huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội) với mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng, được người dân có đất bị thu hồi đồng tình ủng hộ, nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra,  Điều 78 của Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất. Đối chiếu với luật hiện hành có thể thấy, quy định của Dự thảo Luật có phạm vi mở rộng và cụ thể hơn. Tuy nhiên, thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, lực lượng và quyền lợi sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, nảy sinh nhiều phức tạp, khiếu kiện, tiêu cực trong thời gian qua.

Do vậy, để thống nhất về nhận thức và tránh phát sinh những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ hơn mục đích, tiêu chí trường hợp phải tiến hành thu hồi đất; việc thu hồi phải đem lại lợi ích trước mắt, cũng như lâu dài cho quốc gia, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Phương Linh (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội) cho rằng, theo Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 67, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phải tách bạch rõ ràng: Thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng; hay thu hồi để thực hiện các dự án, công trình sản xuất, kinh doanh của chủ đầu tư.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lê Quang Tiến cho rằng, để tránh khó khăn khi thực hiện các dự án, Dự thảo Luật cần quy định tất cả các trường hợp đều thực hiện thu hồi đất, không quy định bắt buộc nhận chuyển nhượng. Trường hợp vẫn giữ nguyên như Dự thảo, đề nghị quy định trong trường hợp không thể thực hiện được việc thỏa thuận chuyển nhượng đất đến tỷ lệ diện tích nhất định, Nhà nước được phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế để giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng.

Quy định rõ tiêu chí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư luôn được người có đất bị thu hồi đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vấn đề dễ nảy sinh đơn thư khiến kiện phức tạp, kéo dài.

Luật sư Hồ Viết Tư (Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhận định, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm. Tại Điều 79 (Dự thảo Luật), nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ... Nếu không có đất để bồi thường, thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.

Luật sư Hồ Viết Tư cho rằng, từ trước đến nay, giá đất do cấp có thẩm quyền quyết định thường thấp hơn so với giá thị trường. Vì vậy, việc sửa đổi Luật lần này cần quy định giá bồi thường do cấp có thẩm quyền quyết định nhất thiết phải gắn với “giá thị trường”, để người bị thu hồi đất ít thiệt thòi, từ đó giảm khiếu kiện.

Do còn vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, người dân xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) vẫn phải ở trong những ngôi nhà xuống cấp từ nhiều năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đánh giá, Khoản 2, Điều 89 Dự thảo Luật quy định: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Quy định như vậy đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

"Đối chiếu với Luật hiện hành có thể thấy, quy định của Dự thảo Luật đã hoàn thiện hơn theo hướng tạo điều kiện ngày càng tốt hơn, ổn định đời sống và sản xuất cho người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần thể chế hóa rõ hơn các quy định, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, cụ thể hóa các tiêu chí như thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị.

Là một trong những địa phương đang được thực hiện nhiều dự án, như: Khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Bắc An Khánh; cụm công nghiệp An Khánh, cụm công nghiệp Trường An…, Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) Bùi Quang Ất cho biết, chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường xuyên có sự thay đổi, gây tâm lý trông chờ, so bì trong những hộ dân có đất bị thu hồi ở các thời điểm khác nhau.

Ngoài ra, một số dự án được triển khai trong thời gian dài, giao thoa giữa các chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư… cũng gây khó khăn trong công tác vận động người dân bị thu hồi đất bàn giao mặt bằng. Cụ thể, xã An Khánh, huyện Hoài Đức đang còn vướng mắc, chưa thể giải phóng mặt bằng sạch tại dự án khu đô thị Nam An Khánh - khu 3, hoặc dự án đất dịch vụ X11...

Ông Bùi Quang Ất cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể, bám sát thực tế hơn, nhằm giải quyết được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang tồn tại trong thực tế.

Ánh Dương